Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc hội đàm Mỹ - Taliban cuối tuần qua ở Doha, Qatar, tập trung vào các vấn đề an ninh, khủng bố và sự đi lại an toàn cho công dân Mỹ, công dân nước ngoài khác và người Afghanistan, cũng như về nhân quyền, bao gồm sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các khía cạnh của xã hội Afghanistan.
Hai bên cũng thảo luận về hỗ trợ nhân đạo của Mỹ cho người dân Afghanistan.
"Các cuộc thảo luận diễn ra thẳng thắn và chuyên nghiệp trong đó phía Mỹ nhắc lại rằng Taliban sẽ bị phán xét dựa trên các hành động thực tế của lực lượng này, chứ không chỉ qua những cam kết của họ.", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price cho biết.
Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ lưu ý, cuộc gặp không chứng tỏ Washington công nhận hay trao quyền hợp pháp cho Taliban.
|
|
Các đại diện của Taliban đang ngồi trên một chiếc máy bay ở một địa điểm không xác định, trong bức ảnh phát được tải lên mạng xã hội vào ngày 9/10. Nguồn: MXH/Reuters. |
Trong khi tuyên bố sau hội đàm, Taliban nói cuộc đàm phán với các đại diện Mỹ ở Doha là "có kết quả" và có hy vọng cuộc gặp sẽ là một bước tiến tới sự công nhận của Washington đối với chính quyền mới ở Afghanistan.
Theo Taliban, cuộc đối thoại kéo dài hai ngày "diễn ra tốt đẹp" và các vấn đề chính trị đã được thảo luận chi tiết. Các đại diện của Mỹ đã hứa cung cấp hỗ trợ nhân đạo và vắc xin ngừa COVID-19 cho người Afghanistan. Taliban bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của công dân nước ngoài.
Hôm 9/11, Ngoại trưởng trong nội các lâm thời của Taliban, Amir Khan Muttaqi, nói với báo chí, trong cuộc đàm phán, phái đoàn Afghanistan yêu cầu người Mỹ không xâm phạm không phận Afghanistan hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước; mặt khác dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Afghanistan, khoảng 10 tỉ USD.
|
|
Đại diện Taliban gặp gỡ các quan chức Qatar tại Doha. Nguồn: MXH/Reuters. |
Trong khi hôm 8/11, phía Mỹ nói, sẽ thúc ép Taliban thả công dân Mỹ Mark Frerichs bị bắt cóc. Một chủ đề ưu tiên hàng đầu khác là bảo đảm cam kết của Taliban không để Afghanistan một lần nữa trở thành điểm nóng khủng bố của al-Qaeda hoặc các phần tử cực đoan khác.
Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào giữa tháng Tám, 20 năm sau khi nhóm này bị lật đổ trong một cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vì từ chối giao nộp thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden sau sự kiện khủng bố chấn động 11/9/2001.
Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng bùng phát ở Afghanistan, Washington và các nước phương Tây chấp nhận hợp tác với Taliban để cung cấp viện trợ cho nước này, tuy nhiên lưu ý, động thái không đồng nghĩa việc công nhận hay trao quyền hợp pháp chính quyền của Taliban.