Các cuộc đụng độ khốc liệt với súng hạng nặng đã nổ ra trên đường phố ở thủ đô Tripoli từ đêm 26/8, giữa các nhóm vũ trang do các đối thủ chính trị ở Libya hậu thuẫn.

Trao đổi hỏa lực, bao gồm súng máy hạng nặng và súng cối đã vang lên khắp thủ đô Tripoli. Cùng với những tiếng nổ lớn, nhiều cột khói đen được nhìn thấy bốc lên trên bàu trời thủ đô Tripoli.

Các nhân chứng nói, các lực lượng vũ trang liên kết từ miền Đông đã cố gắng xâm nhập và tiếp quản Tripoli từ nhiều hướng. 

Theo Bộ Y tế Libya, ít nhất 23 người thiệt mạng, trong đó có 17 dân thường, 140 người khác bị thương, trong khi 64 gia đình phải sơ tán khỏi các khu vực giao tranh. Nhiều bệnh viện và trung tâm y tế ở thủ đô Tripoli cũng đã bị pháo kích.

Đêm 27/8, tình hình được nói đã lắng xuống, tuy nhiên người ta lo ngại Libya có thể đứng trước bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện.

Hôm 28/8, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên chấm dứt lập tức bạo lực.

“Tổng thư ký kêu gọi các bên Libya tham gia vào một cuộc đối thoại thực sự để giải quyết những bế tắc chính trị hiện nay và không sử dụng vũ lực để giải quyết những khác biệt. Ông cũng kêu gọi các bên bảo vệ dân thường và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng và đào sâu thêm chia rẽ.”, Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký cho biết, lưu ý, LHQ vẫn sẵn sàng trong vai trò trung gian hòa giải giúp các bên Libya vạch ra lối thoát để ra khỏi bế tắc chính trị hiện nay.

leftcenterrightdel
 Các phương tiện quân sự xuất hiện ở Tripoli, Libya ngày 27/8. Ảnh: Reuters / Ayman al-Sahili.

Norland cho biết, hôm 26/8, ông và Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohammed Menfi đã thảo luận về nhu cầu cấp thiết phải hoàn thiện cơ sở hiến pháp và tiến tới bầu cử.

Hôm 27/8, Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) tuyên bố quan ngại sâu sắc về các cuộc đụng độ vũ trang đang diễn ra, bao gồm các cuộc pháo kích bừa bãi vừa vào các khu dân cư đông đúc ở Tripoli, gây thương vong cho dân thường và thiệt hại cho các cơ sở dân sự, bệnh viện.

“Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và nhắc nhở tất cả các bên về nghĩa vụ của họ theo luật nhân quyền quốc tế để bảo vệ dân thường và các đối tượng dân sự.”, UNSMIL tweet.

Bày tỏ trước tình hình, Đại sứ Mỹ tại Libya, Richard Norland, tuyên bố, Washington lên án sự gia tăng bạo lực ở Tripoli, đồng thời hối thúc các bên ngừng bắn lập tức, quay trở lại bàn đàm phán do LHQ bảo trợ.

Libya đã lâm vào chia rẽ, bất ổn kể từ sau cuộc nổi dậy năm 2011 do NATO hậu thuẫn lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Từ năm 2014, Libya chứng kiến hai chính quyền cùng tồn tại. Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở thủ đô Tripoli nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và được Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ,.. hậu thuẫn.

Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông được lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn, đồng thời nhận được sự ủng hộ về chính trị từ Ai Cập, Nga và UAE,..

leftcenterrightdel
 Khói đen bốc lên ở thủ đô Tripoli, Libya, ngày 27/8. Ảnh: Reuters/ Hazem Ahmed.

Ngày 23/10/2020, tại Geneva, Thụy Sĩ, đại diện của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã ký kết Thỏa thuận ngừng bắn dưới sự chứng kiến của UNSMIL.

Tháng 3/2020, ông Dbeibah được bổ nhiệm với tư cách là người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) do LHQ hậu thuẫn, nhằm thống nhất các thể chế chính trị chia rẽ đất nước và giám sát việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử  Tổng thống đầu tiên của nước này, dự kiến diễn ra vào ngày 24/12/2021, như một phần của tiến trình hòa bình.

Các phe phái đối địch đã tranh giành quyền lực sau khi kế hoạch bầu cử đổ vỡ, do những tranh chấp về các quy tắc bầu cử, bao gồm cả tính hợp pháp của ứng cử viên Tổng thống của chính ông Dbeibah, sau khi ông này cam kết không tranh cử.

Vào tháng 2, Quốc hội chủ yếu ủng hộ các lực lượng miền Đông, trong cuộc nội chiến lập luận rằng, nhiệm vụ của chính phủ Dbeibah đã kết thúc khi cuộc bầu cử Tổng thống được ấn định vào cuối năm ngoái đã không diễn ra; tuyên bố GNU không hợp pháp, do vậy đã chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) có trụ sở tại Tripoli dưới quyền của Abdulhamid al-Dbeibah.

Một lần nữa ở Libya tồn tại song song hai Chính phủ, hai Thủ tướng đối địch lẫn nhau. Cho đến nay các phe phái chính trị ở Libya vẫn chưa tìm được tiếng chung. Tiến trình hòa bình ở nước này có nguy cơ đổ vỡ.

Văn Phong/