Chiều ngày 25/7, Trung tâm điều hành khẩn cấp Đài Loan (CEOC), cho biết, lở đất do bão Gaemi vào chiều trước đó cùng ngày đã khiến một cụ ông 78 tuổi thiệt mạng tại nhà riêng ở quận Kỳ Sơn, TP Cao Hùng, nâng số người chết vì bão Gaemi lên 3 trường hợp.
CEOC cũng đã nhận được báo cáo về 380 trường hợp thương tích trên khắp Đài Loan.
Nhiều vụ lở đất khác cũng đã xảy ra ở quận Đại Thụ, TP Cao Hùng. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu 3 người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Bão Gaemi với sức gió giật lên tới 227 km/giờ gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực trung và nam Đài Loan vào ngày 25/7.
|
|
Bão Gaemi gây biển động dữ dội ở Nghi Lan, Đài Loan ngày 25/7. Ảnh: Reuters/Carlos Garcia Rawlins. |
Các hình ảnh được truyền thông đăng tải cho thấy trụ điện, cây cối ngã đổ, trong khi các đường phố ở nhiều đô thị trên khắp hòn đảo ngập sâu.
Một số khu vực ở phía nam Đài Loan dự kiến sẽ ghi nhận lượng mưa tích lũy lên đến 2.200 mm, kể từ ngày 23/7.
Lúc 15h30’ ngày 25/7, Cơ quan Quản lí Thời tiết Đài Loan (CWA) cho biết, lượng mưa ở Cao Hùng đã lên tới hơn 1.038 mm, xấp xỉ lượng mưa kỉ lục 1.402 mm của cùng khu vực trong cơn bão Morakot vào năm 2009.
Do bão, các công sở, trường học cũng như thị trường tài chính Đài Loan đóng cửa ngày thứ hai liên tiếp vào 25/7, trong khi tàu hỏa dừng hoạt động cho đến 15h chiều. Tất cả các chuyến bay nội địa và 195 chuyến bay quốc tế đều bị hủy.
|
|
Đường phố ở TP Cao Hùng ngập sâu sau bão, ngày 25/7. Ảnh CNA. |
Công ty Điện lực Đài Loan cho biết, hơn 700.000 ngôi nhà bị mất điện trên khắp lãnh thổ. Đến 15h chiều 25/7, điện đã được cấp trở lại cho 620.000 ngôi nhà.
Trong khi CEOC, cho biết, hơn 88.000 hộ gia đình đã bị cắt nước vào ngày 25/7. Đến 15h chiều cùng ngày, khoảng 24.000 hộ vẫn chưa có nước.
Cơn bão cũng khiến tàu hàng Fu Shun mang cờ Tanzania bị chìm lúc 6h45’ sáng sớm ngày 25/7 trong vùng biển ngoài khơi, cách bờ biển Cao Hùng khoảng 35 km, khiến 9 thuyền viên trên tàu mất tích. Năm tàu hàng khác mắc cạn ngoài khơi bờ biển phía nam Đài Loan.
|
|
Cây cối đổ ngã sau bão Gaemi ở Nghi Lan, Đài Loan ngày 25/7. Ảnh: Reuters/Carlos Garcia Rawlins. |
Biển động và gió lớn đã cản trở nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.
Cơ quan Giao thông Vận tải Đài Loan (MOTC) nói, đã thành lập đội ứng phó khẩn cấp với nhiệm vụ ưu tiên là cứu hộ các thuyền viên bị nạn và phòng chống tràn dầu.
Đến chiều ngày 26/7, các nguồn tin Đài Loan cho biết, 2 thuyền viên tàu Fu Shun được người dân địa phương tìm thấy trên bờ biển. Một thuyền viên khác sau đó được tìm thấy gần Fengbitou ở Cao Hùng. Sáu thuyền viên còn lại của tàu Fu Shun vẫn mất tích.
|
|
Hoàn lưu bão Gaemi gây ngập lụt ở quận Mỹ Nùng, Cao Hùng, Đài Loan, ngày 25/7. Nguồn: Chichen Fu/MXH/Reuters. |
Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi quét qua Đài Loan, bão Gaemi đã đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến, đông nam nước này lúc 19h50’.
Cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc dự báo bão Gaemi sẽ đi qua Phúc Kiến và tiến sâu vào đất liền, di chuyển về phía bắc với cường độ yếu hơn.
Ứng phó với cơn bão, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm đối với các tỉnh ven biển Phúc Kiến và Chiết Giang.
Tại Phúc Kiến, khoảng 150.000 người, chủ yếu từ các cộng đồng ngư dân ven biển đã được sơ tán.
Tại TP Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, chính quyền đã đình chỉ các tuyến đường thủy chở khách trong tối đa 3 ngày.
|
|
Nước lũ sau sau mưa hoàn lưu nhấn chìm ô tô ở quận Mỹ Nùng, Cao Hùng, Đài Loan, ngày 25/7. Nguồn: Chichen Fu/MXH/Reuters. |
Theo ứng dụng VariFlight, hầu hết các chuyến bay đều bị hủy tại các sân bay Phúc Châu và Tuyền Châu ở Phúc Kiến và Ôn Châu ở Chiết Giang.
Đường sắt Quảng Châu đã dừng một số chuyến tàu chạy qua các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão.
Trong khi đó, các khu vực khác của Trung Quốc đã trải qua một đợt mưa lớn.
Theo truyền thông địa phương, mưa lớn đã gây lở đất ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, khiến 288 người phải sơ tán khỏi một thắng cảnh nổi tiếng.
Một số khu vực ở Bắc Kinh cũng hứng chịu mưa lớn và các kế hoạch khẩn cấp đã được kích hoạt với hơn 25.000 người đã phải sơ tán. Một số dịch vụ tàu hỏa cũng bị đình chỉ tại Ga đường sắt Bắc Kinh Tây.