Để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần giành được quân át chủ bài đó là sự hậu thuẫn từ phần còn lại của thế giới, bất chấp việc Mỹ hiện là nền kinh tế số 1. Đây là điều rất khó.
Ngày 1/12 tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở Argentina, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về một “lệnh ngừng bắn thương mại”. Ông Trump, ông Tập đồng thuận ngừng áp thuế bổ sung nhằm vào nhau kể từ ngày 1/1/2019, thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Theo thỏa thuận, một khi Mỹ ngừng áp thuế bổ sung, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và đồng ý mở cửa thị trường. Hai bên thỏa thuận giai đoạn ngừng áp thuế bổ sung sẽ kéo dài 90 ngày để tạo điều kiện cho các chuyên gia hai nước triển khai đàm phán thương mại chi tiết hơn.
Giới quan sát đánh giá đây là bước tiến lớn, thể hiện nỗ lực của cả Washington và Bắc Kinh trong việc hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, xét tới những phát ngôn và hành động trên thực tế của cả hai phía tính tới thời điểm này, thỏa thuận trên chỉ đơn thuần là một “lệnh ngừng bắn”, không hơn không kém. Và về thực chất, Washington sẽ không nhượng bộ nhiều và mục tiêu cuối cùng vẫn là giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, có thể giành chiến thắng hay không lại là một chuyện khác. Chuyên gia Fatih Oktay, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Trung Quốc: Sự trỗi dậy của một siêu cường và cán cân thế giới đang thay đổi”, nhận định cơ hội chiến thắng của Tổng thống Trump là rất mong manh, vì 3 lý do: Nền kinh tế Mỹ hiện chưa đủ vững mạnh, lợi ích quốc gia của nhiều nước trên thế giới khác nhau và sự bất lợi của Mỹ xét về nguồn lực.
|
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Kinh tế Mỹ chưa đủ mạnh
Nghe có vẻ vô lý vì Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, đây là sự thật. “Lực đòn bẩy” lớn nhất để Chính quyền Washington thiết lập một liên minh kinh tế chống Trung Quốc là qui mô của thị trường Mỹ. Tuy nhiên, xét về yếu tố này, Trung Quốc còn có một thị trường rộng lớn hơn với rất nhiều sản phẩm từ ô tô-thực phẩm cho tới dịch vụ.
Với hơn 1,3 tỷ dân, Trung Quốc luôn sẵn sàng trở thành thị trường lớn nhất thế giới, có sức hút rất lớn các nhà xuất khẩu và đầu tư. Dù trên thực tế Bắc Kinh có áp đặt hạn chế đối với một số mặt hàng và dịch vụ, xong phần lớn thị trường Trung Quốc khá cởi mở và các nhà sản xuất từ những quốc gia phát triển đã nắm bắt lợi thế khi xuất khẩu sản phẩm tới Trung Quốc.
Các công ty vốn nước ngoài, chủ yếu là các nhà sản xuất từ những nền kinh tế phát triển đang hoạt động ở Trung Quốc, đều làm ăn có lãi tại nước này. Trên thực tế, những khu vực sinh lợi nhuận nhiều nhất trên thị trường sản xuất hàng hóa và tiêu dùng tại Trung Quốc đều do các công tư nước ngoài chi phối. Do đó các nước khác, nhất là những nước có nền kinh tế phát triển, sẽ không dễ gì nhường thị trường Trung Quốc cho Mỹ.
Lợi ích quốc gia khác nhau
Ngay cả khi một số quốc gia có chung quan ngại về Trung Quốc với Chính quyền Tổng thống Trump, việc các nước “theo chân” Mỹ đối đầu kinh tế với Bắc Kinh là viễn cảnh không mấy thuyết phục. Vấn đề mà hầu hết những nước này phải đối mặt là không đủ sức mạnh để đương đầu với các rủi ro kinh tế-chính trị của một cuộc chiến kinh tế.
Một Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ không có lợi cho lợi ích quốc gia của một số nước khác. Vì lợi ích thiết thực của mình, nhiều nền kinh tế đang phát triển không sẵn lòng trở thành một phần trong cuộc chiến kinh tế mà Mỹ phát động nhằm vào Trung Quốc.
Đối với hầu hết các nền kinh tế, thay vì tích cực tham gia cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, họ có thể sử dụng cuộc xung đột này để định hình các chính sách đối với cả hai bên tham chiến vì lợi ích quốc gia tốt nhất của họ, đồng thời tìm cách duy trì cán cân quyền lực giữa hai “người khổng lồ”.
Mỹ bất lợi về nguồn lực
Với “Vành đai, Con đường” cùng các sáng kiến tương tự, Trung Quốc đang nổi lên thành một nguồn lực đáng kể về đầu tư và tài chính đối với nhiều quốc gia trên thế giới, có sức ảnh hưởng tới chính sách quốc tế của họ. Mỹ hiện không có đủ lực để cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xét theo sức mua tương đương của Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 19,4 nghìn tỷ USD và 23,3 nghìn tỷ USD; tỷ lệ tiết kiệm quốc gia của hai nước là 18% và 48%. Điều này dẫn tới việc nguồn tài chính để đầu tư của Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 3,5 nghìn tỷ USD và 11 nghìn tỷ USD. Như vậy có thể thấy, nhờ nguồn lực đầu tư lớn hơn, Trung Quốc có thể đổ tiền vào các dự án trong nước và quốc tế mang tính chiến lược nhiều hơn hẳn Mỹ, cho dù tổng GDP của Trung Quốc thấp hơn Mỹ khá xa.
Để chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Chính quyền Washington cần có “bạn bè”, nhất là những nền kinh tế lớn và phát triển. Tăng thuế và áp đặt các rào cản thương mại khác như hiện nay có thể làm khó Trung Quốc, song muốn thắng Mỹ cần một liên minh lớn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này rất khó để Tổng thống Trump tập hợp được các thành viên trong một liên minh như thế.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức