leftcenterrightdel
Mỹ và Trung Quốc hòa hoãn chiến tranh thương mại trong 90 ngày. Ảnh: AFP 

Thỏa thuận tạm ngừng bắn được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina cuối tuần qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này đã đồng ý nhập khẩu nhiều hàng Mỹ hơn theo nhu cầu của người dân và thị trường nội địa. Ông cũng cho biết Trung Quốc sẽ dần dần giải quyết các lo ngại hợp lý của phía Mỹ.

Hiện tại, leo thang căng thẳng sẽ giảm trong mấy tháng tới. Mỹ nhất trí trì hoãn tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2019. Nếu không có thỏa thuận nào sau giai đoạn 90 ngày, Mỹ sẽ tăng thuế với hàng hóa trị giá 200 tỷ của Trung Quốc từ 10% lên 25% như dự kiến.

Trước đó, Tổng thống Trump đã thông báo áp dụng thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7 với cáo buộc Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước, buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ để làm ăn ở Trung Quốc và dung túng cho tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Tổng thống Trump còn cảnh báo cuối cùng sẽ áp thuế cao lên tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế lên tới 505 tỷ USD năm 2017.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải- giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái-giữa) tại cuộc gặp ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức Mỹ đã bàn bạc với phía Trung Quốc nhiều tuần nay về vấn đề thương mại. Tuy nhiên, ngay trước cuộc họp giữa hai lãnh đạo tại Argentina, nhiều phụ tá cấp cao Nhà Trắng không biết chính xác mọi chuyện sẽ ra thế nào. Nhiều người lo ngại nếu cuộc gặp song phương này thất bại, Hội nghị G20 có thể bị phủ bóng đen.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cả hai bên có ba tháng để “ngừng bắn” và đàm phán. Dù bị đánh giá là không giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa hai nước mà chỉ đơn giản là trì hoãn giải quyết, nhưng ba tháng trì hoãn đó sẽ quyết định chính sách thương mại tương lai của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau khi đạt thỏa thuận hòa hoãn tạm thời, các quan chức Mỹ và Trung Quốc còn rất nhiều việc phía trước. 

Theo tờ Politico, đây là khoảng thời gian cực kỳ thử thách với Trung Quốc để thực hiện những thay đổi cơ cấu sâu rộng mà Mỹ đã đòi hỏi suốt năm qua. Tuy nhiên, việc Trung Quốc của đáp ứng yêu cầu đó hay không cũng tùy thuộc nhiều yếu tố.

Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, có thể mọi thứ vẫn như cũ và không có thay đổi gì đáng kể. Chủ tịch Trung Quốc có thể tạo làn sóng tự do hóa nhưng có thể tránh thực hiện những biện pháp có thể gây rủi ro đe dọa trật tự kinh tế Trung Quốc.

Thỏa thuận “ngừng bắn” được đưa ra nhưng không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ giải quyết những vấn đề mà Mỹ quan ngại. Tuy nhiên, với Mỹ, ít nhất Tổng thống Trump cũng ghi được điểm nếu Trung Quốc thực hiện lời hứa mua trở lại đậu nành và các nông sản khác. Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên số hàng hóa trị giá 110 tỷ USD đã khiến nông dân Mỹ điêu đứng.

Mặc dù thỏa thuận đóng vai trò quan trọng trong xoa dịu căng thẳng chiến tranh thương mại nhưng một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc không đề cập tới việc mua các sản phẩm trị giá cao. Ông Derek Scissors, một học giả Viện Doanh nghiệp Mỹ nói: “Chúng ta chưa đi tới đâu trong đàm phán thương mại truyền thống”.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại cuộc gặp ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12. Ảnh: THX/TTXVN

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và những nhân vật cứng rắn khác trong chính quyền Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa sống còn và họ cố ý ăn cắp sáng tạo của Mỹ để thống trị các lĩnh vực công nghệ cao thế hệ tiếp theo. 

Vấn đề chính hiện nay là liệu Trung Quốc có cam kết thay đổi gì đáng kể hay không. Ông Scott Lincicome, một luật sư thương mại và trợ giáo tại Viện Cato, nói: “Chúng ta bước vào cuộc xung đột này đã 8 tháng. Tại sao Chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi trong 90 ngày tới? Có gì đã thay đổi giữa bây giờ và trước đó không?"

Dù vậy, chính quyền Mỹ đã cho thấy không thích đàm phán kéo dài và đặc biệt lo ngại bị kéo vào các đàm phán không hiệu quả, tốn thời gian.

Việc Tổng thống Trump đột nhiên hòa hoãn với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại được cho là bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố: cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, bầu cử giữa nhiệm kỳ và yếu tố liên quan các thị trường. 

Khi hòa hoãn trong 90 ngày với Trung Quốc, Mỹ có thể khởi động lại xuất khẩu năng lượng và nông sản sang Trung Quốc. Điều này sẽ giúp Tổng thống Trump “dễ thở” đôi chút khi đang chịu áp lực từ cuộc điều tra của ông Mueller, thất bại của phe Cộng hòa tại Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ vừa qua và các thị trường chứng khoán lao dốc trong vài tháng vì lo ngại xung quanh chiến tranh thương mại.

leftcenterrightdel
 Các côngtenơ hàng hóa của Trung Quốc tại Cảng Long Beach, ở Los Angeles, Mỹ ngày 29/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, phần lớn các tổ chức kinh doanh lớn của Mỹ như Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc hy vọng “ngừng bắn” 90 ngày có thể mang lại kết quả tích cực.

Chủ tịch Hội đồng này, ông Craig Allen, hoan nghênh quyết định của Mỹ-Trung nhưng cũng kêu gọi một kế hoạch loại bỏ mọi loại thuế mà hai bên đã áp đặt với hàng hóa của nhau.

Các nhà bán lẻ Mỹ vui mừng vì Tổng thống Trump sẽ không tăng thuế với các hàng tiêu dùng như thảm, quần áo, giấy và đồ đạc. Họ cũng tạm yên tâm vì ít nhất trong 90 ngày tới, cảnh báo của Tổng thống Trump về việc tăng thuế với mọi hàng Trung Quốc đã bị gác lại.

Ông Myron Brilliant, Giám đốc quan hệ quốc tế Phòng Thương mại Mỹ, nhận định: “Các nhà đàm phán hai bên giờ có 90 ngày đáng kể để đạt được kết quả có ý nghĩa trong các lĩnh vực chính mà Mỹ quan ngại. Việc khó khăn giờ mới bắt đầu”.

Theo TTXVN