Tờ Times of India dẫn nguồn tin thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết trong tháng 9, khi Mỹ áp mức thuế mới lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm 6.000 mặt hàng từ thực phẩm tới đồ tiêu dùng, New Delhi đã nhanh tay lập một danh sách 180 sản phẩm nhiều tiềm năng có thể xuất khẩu tới Washington.
|
|
Hoạt động tại một cảng hàng hóa của Ấn Độ. Ảnh: AFP |
Theo đó, sản phẩm từ các công ty Ấn Độ có thể lấp chỗ trống của 8-10 tỷ USD hàng hóa tại thị trường Mỹ khi thiếu sản phẩm của Trung Quốc. Mặt hàng Ấn Độ muốn xuất khẩu tới Mỹ đa dạng từ hóa chất cho tới phụ tùng ô tô.
Tuy đây là ý tưởng nhanh nhạy và hợp lý với Ấn Độ nhưng nhiều chuyên gia đánh giá Mỹ sẽ chần chừ về đề xuất này.
Trong năm 2017, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ kèm theo thâm hụt mậu dịch là 27 tỷ USD. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra một phần vì Washington muốn thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc vốn lên tới 375 tỷ USD trong năm 2017.
Ngày 1/10, Tổng thống Donald Trump còn đánh giá Ấn Độ là vua thuế và cần phải giảm mức thuế nhập khẩu. Từ tháng 6, sau khi Mỹ tuyên bố mức thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài (trong đó có Ấn Độ), Washington và New Delhi đã cố gắng đàm phán về các điều kiện thương mại.
Tháng 8 vừa qua, Ấn Độ cảnh cáo tăng thuế vói 29 sản phẩm hàng hóa Mỹ trị giá 10,6 tỷ USD tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa thực hiện biện pháp trả đũa thương mại nào với Washington. Nếu Ấn Độ và Mỹ không đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề, mức thuế mới của New Delhi sẽ có hiệu lực từ ngày 3/11.
Ngoài ra, việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga cũng đã khiến Mỹ phật lòng và muốn gây áp lực. Sau khi có tuyên bố chính thức về thương vụ mua S-400 trị giá 5,4 tỷ USD của Nga và Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố Washington có thể đáp trả “sớm hơn các bạn nghĩ”.
Hà Linh/ Báo Tin tức