Hôm 14/11, truyền thông Ba Lan dẫn lời Thủ tướng nước này Mateusz Morawiecki nói, NATO phải thực hiện "các bước đi cụ thể" để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan, cũng là biên giới Belarus- EU; lưu ý, Ba Lan, Litva và Latvia có thể yêu cầu tham vấn theo Hiệp ước  Bắc Đại Tây Dương.

“Việc chúng tôi công khai bày tỏ mối lo ngại của mình là chưa đủ, bây giờ chúng tôi cần những bước đi cụ thể và sự cam kết của cả liên minh.”, ông Morawiecki nói, mở ngoặc, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận thêm về các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, bao gồm cả việc đóng cửa hoàn toàn biên giới với nước này.

leftcenterrightdel
Binh sĩ và cảnh sát Ba Lan được huy động để ngăn chặn người di cư vượt qua biên giới. Ảnh: Irek Dorozanski / DWOT / Handout/Reuters. 

Theo Điều 4 của Hiệp ước NATO, bất kỳ đồng minh nào và vào bất cứ thời điểm nào, cũng có thể yêu cầu tham vấn về tính toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của họ bị đe dọa.

Trước tình hình ngày càng căng thẳng ở điểm nóng di cư, trong đó người di cư đang cố tìm mọi cách, bao gồm chuẩn bị những cây gỗ lớn để vượt qua hàng rào thép gai, nguy cơ xảy ra xung đột, Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói, EU nên chi tiền để xây bức tường dọc biên giới Belarus.

leftcenterrightdel
Hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới Belarus- Ba Lan trong điều kiện mùa đông giá lạnh. Ảnh: CNN. 

Trước yêu cầu của Ba Lan, hôm 14/11, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell nói với báo chí, cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Ba Lan-Belarus không thể được giải quyết bằng một bức tường.

"Ngày nay, có nhiều bức tường ở châu Âu hơn so với thời kỳ của Bức tường Berlin. Nhưng điều đó sẽ không giúp giải quyết vấn đề di cư.", ông Borrell lưu ý.

leftcenterrightdel
Người di cư huy động gỗ để chống chọi với đêm đông giá lạnh, đồng thời tìm cách phá hàng rào kẽm gai để qua Ba Lan, cửa ngõ vào châu Âu. Ảnh: AFP. 

Hàng nghìn người di cư từ Trung Đông và châu Phi đã tới Belarus và tập trung tại biên giới với Ba Lan với hy vọng được vào các nước EU, tuy nhiên họ đang bị mắc kẹt nhiều ngày qua trong điều kiện nhiệt độ dưới không độ.

EU cáo buộc Minsk dàn dựng cuộc khủng hoảng và sử dụng vấn đề di cư như một vũ khí để gây áp lực lên khối này về các lệnh trừng phạt, nhưng Belarus đã nhiều lần bác bỏ điều này. Một số quốc gia trong khu vực đã cảnh báo tình trạng có thể leo thang thành xung đột quân sự.

Hôm 13/11, ít nhất khoảng 50 người di cư đã phá vỡ hàng rào vượt qua biên giới và tiếp cận khu dân cư Starzyna của Ba Lan. Biên phòng Ba Lan nói với báo chí, số người này đã bị bắt.

Văn Phong/Reuters, Sputnik