Ngày 5/12, giá trần đối với dầu xuất khẩu vận chuyển bằng đường biển của Nga vốn được Liên minh châu Âu (EU), G7 và Úc nhất trí trước đó, bắt đầu có hiệu lực.

Hôm 2/12, các quốc gia thuộc EU, G7 và Úc đưa ra một tuyên bố cho biết, họ đã đồng thuận với mức trần 60 USD/thùng đối với giá dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Giới hạn giá sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12.

Với thỏa thuận này, các công ty tại G7, EU và Úc chỉ cung cấp các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm, mua bán hoặc môi giới với nguồn hàng dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển khi tuân thủ giá trần 60 USD/thùng.

Mức trần này có thể khiến Moscow khó bán dầu của mình với giá cao hơn.

Các quốc gia không áp dụng biện pháp này có thể tiếp tục mua dầu của Nga trên mức giá trần, nhưng không thể sử dụng các dịch vụ kể trên của các công ty G7, EU và Úc.

leftcenterrightdel
 Giới hạn giá dầu sẽ có tác động trực tiếp đến dầu thô vận chuyển đường biển của Nga trên toàn thế giới. Ảnh: AP.

Hôm 4/12, Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, cho biết, sẽ không chấp nhận mức trần và sẽ không bán dầu tuân theo mức trần đó.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, động thái của phương Tây là sự can thiệp thô bạo đi ngược lại các quy tắc thương mại tự do và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu, bằng cách gây ra tình trạng thiếu nguồn cung.

“Sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường. Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi trong các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng một chút.”, ông Novak tuyên bố.

Giới hạn giá đưa ra hôm 2/12 không thấp hơn nhiều so với mức giao dịch 67 đô la/ thùng dầu của Nga đóng cửa vào cuối ngày. Vì vậy, EU và các nước G7 kỳ vọng Nga sẽ vẫn có động cơ tiếp tục bán dầu ở mức giá như vậy trong khi chấp nhận lợi nhuận thấp hơn.

Mức giá trần sẽ được EU và G7 xem xét 2 tháng một lần, với lần đầu tiên được lên kế hoạch vào giữa tháng Giêng.

Theo Ủy ban Châu Âu, việc xem xét lại giá nhằm đánh giá hiệu quả của biện pháp, tình hình triển khai, sự tuân thủ và liên kết quốc tế, tác động tiềm ẩn đối với các thành viên và đối tác của liên minh, cũng như diễn biến của thị trường.

Văn Phong/Aljazeera, Sputnik