Theo tổ chức từ thiện bảo vệ động vật toàn cầu Four Paws: Ở Campuchia thịt chó không phổ biến, chỉ với khoảng 12% dân số tiêu thụ thường xuyên. Tổ chức này cũng xác định Xiêm Riệp (một tỉnh phía Tây Bắc của Campuchia) là “điểm nóng” về tình hình tiêu thụ, buôn bán thịt chó.

Điều này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về mặt trị an xã hội, đặc biệt đối với những gia đình nuôi chó, bên cạnh đó còn tác động tiêu cực đến văn hóa của khu vực này. Chính vì vậy một lệnh cấm mới được nhà chức trách ban hành về việc cấm buôn bán thịt chó, bao gồm: Mức phạt tiền cao nhất lên đến 50 triệu riel (tương đương khoảng 12.200 USD) hoặc hình phạt tù lên đến 5 năm.

leftcenterrightdel
Xiêm Riệp là địa phương đầu tiên ở Campuchia cấm bán và tiêu thụ thịt chó. Ảnh minh họa AP 

Giám đốc Sở Nông nghiệp của tỉnh Xiêm Riệp, ông Tea KimSoth trả lời hãng tin Reuters: Sự phát triển của du lịch đã làm gia tăng nhu cầu ăn thịt chó trong khu vực, thịt chó đã trở nên phổ biến hơn khi các du khách nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc đến đây.

Với sự ban hành kịp thời các biện pháp cấm buôn bán thịt chó đi kèm với các chế tài mạnh tay xử lý đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân tỉnh Xiêm Riệp, đặc biệt là tổ chức Four Paws.

Tiến sĩ Kinda Polak, người đứng đầu tổ chức từ thiện ở Đông Nam Á cho biết: “Chúng tôi tin rằng với sự tiên phong của Xiêm Riệp trong việc bảo vệ sự sống của hàng triệu con chó, tỉnh này sẽ là một hình mẫu lý tưởng để các khu vực khác trong cả nước cùng hưởng ứng”.

Theo tổ chức Nhân đạo quốc tế (HSI), mỗi năm có khoảng 30 triệu con chó bị giết để lấy thịt ở Châu Á, đây là một con số đáng báo động đối với thực trạng “tàn sát” loài chó.

Quyết định của nhà chức trách tại Xiêm Riệp đã ảnh hưởng đến những động thái tương tự ở các nước khác thuộc khu vực Châu Á trong những tháng gần đây. Vào tháng Tư vừa qua, Thâm Quyến là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc ban hành lệnh cấm ăn thịt chó mèo, trong khi đó bang Nagaland ở phía Đông Bắc Ấn Độ cũng cấm các hoạt động nhập khẩu, buôn bán thịt chó vào hồi đầu tháng này.

Vũ Thủy