Tuy nhiên, những cam kết đang được thực thi một cách nửa vời trong khi khi tình trạng quấy rối tình dụng trở nên khá phổ biến ngay tại nghị trường Mỹ.

Theo một phân tích của hãng tin AP thực hiện tại 50 bang của Mỹ, khoảng 50% trong tất cả các cơ quan lập pháp trên toàn nước Mỹ đã nhận thấy đây là vấn đề cấp bách và đưa ra một số thay đổi về chính sách chống nạn quấy rối tình dục, chủ yếu thông qua việc huấn luyện ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, một số bang dường như "án binh bất động" trong khi con số nghị sĩ bị cáo buộc có hành vi không đúng đắn ngày càng gia tăng.

Ủy viên Hội đồng lập pháp tại bang New York Nily Rozic cho rằng làn sóng phong trào #Metoo đã buộc giới chức Mỹ vào cuộc, song vẫn còn con đường dài phía trước để giải quyết vấn nạn này một cách triệt để trong chính trường Mỹ. Sự phản ứng không đồng nhất này đã cho thấy sức ép chính trị buộc phải hành động và thái độ miễn cưỡng còn tồn tại ở các cơ quan lập pháp tại nhiều bang, nơi có tỷ lệ nữ giới hoạt động chính trường vẫn còn thấp, khi cứ 3 nam giới mới có 1 nữ giới là nghị sĩ.

Một khảo sát được hãng AP tiến hành hồi tháng đầu tháng 1 vừa qua cho thấy, khoảng 75% số cơ quan thượng và hạ viện tại các bang trên khắp nước Mỹ cho rằng họ đang cân nhắc hoặc vừa mới điều chỉnh chính sách chống tình trạng quấy rối tình dục. Một khảo sát khác của AP cho thấy tính đến tháng 8 này, khoảng 50% trong số 99 cơ quan lập pháp tại các bang của Mỹ đã có điều chỉnh về chính sách ngăn chặn tình trạng trên, trong khi hơn 20 cơ quan lập pháp khác vốn trước đó cho biết đang rà soát các biện pháp thì chưa có bất kỳ động thái đáng kể nào.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Teresa Tanzi thuộc bang Rhode Island cho rằng việc kêu gọi ngăn chặn tình lạm dụng tình dục tại Mỹ chỉ mang tính hình thức mà chưa đi vào thực chất. Bà Tanzi, một trong những người đi đầu trong việc đưa các vụ quấy rối tình dục trong chính trường Mỹ ra ánh sáng, tố cáo một nhà lập pháp cấp cao hơn đã "gạ tình" với hứa hẹn các dự thảo của bà sẽ được thúc đẩy.

Sau sự việc này, Hạ viện bang đã đưa ra khóa huấn luyện chống lạm dụng tình dục tại nơi làm việc và bổ nhiệm bà Tanzi phụ trách một nhóm đặc biệt nghiên cứu những điều chỉnh trong luật của bang. Tuy nhiên, một gói dự luật của bà Tanzi về việc bảo vệ người lao động và các biện pháp chống quấy rối tình dục lại không được thông qua.

Theo khảo sát của AP, phản ứng chung nhất của các các nhà lập pháp chỉ dừng ở việc tăng cường huấn luyện chống hành vi quấy tối tình dục. Khoảng 50% trong tổng số các cơ quan lập pháp đã thực thi biện pháp này, duy chỉ 1/5 số bang không đưa ra yêu cầu trên đối với các nhà lập pháp.

Việc giải quyết thỏa đáng các vụ quấy rối tình dục cũng chưa được chú trọng khi chỉ có vài bang khuyến khích tố cáo các hành vi không đúng mực của các nhà lập pháp và cấm giàn xếp các vụ việc như vậy bằng tiền. Một số ít các bang gồm Arizona, California, Maryland, New York, Tennessee, Vermont và Washington đã thúc đẩy các biện pháp bảo vệ người lao động trong lĩnh vực tư nhân trước các hành vi quấy rối tình dục.

Thống kê của AP cho thấy tính từ đầu năm 2017, ít nhất 30 nhà lập pháp cấp bang ở Mỹ đã phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm sau khi bị cáo buộc có hành vi quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, cũng từ khoảng thời gian trên, sự nghiệp chính trị của 26 nghị sĩ có nguy cơ "tiêu tàn" như mất vị trí lãnh đạo trong đảng hay ủy ban do những người này có hành vi không đúng mực với người khác.

Mới đây nhất, nghị sĩ Dân chủ Curt Anderson ở bang Maryland đã phải từ bỏ các vị trí lãnh đạo sau khi ông này bị điều tra với cáo buộc quấy rối tình dục. Đa số những vụ lạm dụng tình dục trên nghị trường Mỹ bị lộ sáng kể từ tháng 10/2017, thời điểm vụ bê bối tình dục của ông Harvey Weinstein bị phanh phui trên truyền thông Mỹ.

Cũng từ đầu năm 2017, ít nhất 76 nhà lập pháp tại 34 bang đã bị công khai cáo buộc hoặc bị khiển trách vì đã có hành vi quấy rối tình dục trong nhiều năm. Con số này chưa tới 1% trong tổng số 7.383 nhà lập pháp trên toàn nước Mỹ.

Theo TTXVN