Gần 60.000 năm trước, khi con người thời tiền sử mới bắt đầu mạo hiểm ra khỏi châu Phi, mực nước biển dâng khiến một khu rừng cây bách cổ đại mọc bên bờ sông gần vịnh Mexico bị chôn vùi.

Bây giờ, các nhà khoa học tin rằng, khu rừng cổ có thể nắm giữ bí mật giúp tạo ra các loại thuốc mới giúp con người chống lại đại dịch.

Trong nhiều thiên niên kỷ, khu rừng cổ vẫn không bị xáo trộn, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), nơi đã xuất bản một bài viết về khu rừng vào tuần trước.

Nhưng vào tháng 9/2004, cơn bão Ivan đã tấn công bờ biển vùng Vịnh, quét sạch đáy biển và trầm tích làm phát lộ khu rừng.

leftcenterrightdel

Khúc gỗ được lấy từ khu rừng cổ đại dưới nước. Ảnh: CNN.

Kể từ đó, vùng biển ven bờ Alabama trong vịnh Mobile đầy cá mập, đã được một số nhà khoa học và nhà làm phim ghé thăm.

Các nhà khoa học từ Đại học Northeastern và Đại học Utah, Mỹ đã bắt đầu một cuộc thám hiểm do NOAA tài trợ để lặn xuống vùng biển và mang về những khúc gỗ để nghiên cứu.

Brian Helmuth, giáo sư khoa học biển và môi trường tại Đại học Northeastern, người đã trực tiếp lặn xuống khảo sát khu rừng, cho biết, ông kinh ngạc khi chứng kiến những gốc cây khổng lồ được bảo quản cực tốt, còn nguyên vỏ và màu gỗ, mặc dù gỗ đã 60.000 năm tuổi.

leftcenterrightdel

Các nhà khoa học hy vọng, các vi khuẩn chứa trong khúc gỗ cổ đại có thể dẫn đến các loại thuốc “cứu tinh” mới. Ảnh: CNN.

Nghiên cứu những khúc gỗ cổ xưa trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học ghi nhận hơn 300 sinh vật ký sinh trong các khúc gỗ, trong đó đáng chú ý là con hà, một loại ngao chuyển đổi gỗ thành mô động vật, theo NOAA.

Hà không phải là mới đối với khoa học. Chúng phổ biến và có thể được tìm thấy ở hầu hết các đại dương bất cứ nơi nào có gỗ. Nhưng vi khuẩn được tìm thấy từ những con hà sống trong gỗ 60.000 năm tuổi chưa từng được phát hiện trước đây.

"Chúng tôi đã có thể phân lập vi khuẩn và lấy một số vi khuẩn mà chúng tôi chưa từng biết đến trước đây, vì vậy chúng tôi thực sự rất phấn khích về điều đó", Margo Haygood, giáo sư nghiên cứu hóa học tại Đại học Utah, nói với CNN.

leftcenterrightdel

Chụp ảnh các sinh vật được thu thập từ khu rừng ngập nước. Ảnh: CNN.

Những con hà từ gỗ cổ mang 100 chủng vi khuẩn, trong đó có nhiều chủng mới và 12 loài đang trải qua trình tự DNA để đánh giá tiềm năng của chúng trong việc tìm ra các loại thuốc điều trị mới.

Nghiên cứu trước đây về vi khuẩn hà đã giúp tạo ra ít nhất một loại kháng sinh để điều trị nhiễm ký sinh trùng, theo NOAA. Vì vậy, các nhà khoa học, bao gồm Haygood, đang cảm thấy lạc quan về các chủng vi khuẩn hà mới này.

Các nhà khoa học cho biết, đang tiếp tục nghiên cứu khu rừng cổ và các mẫu vật với sự hỗ trợ của robot không người lái dưới nước, chụp ảnh và tạo hình ảnh 3D để chia sẻ kỳ quan của khu rừng 60.000 năm tuổi này; và, hy vọng sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong vòng một năm.

Huy Anh