Chiếc nhẫn có đường kính 21,5 mm, bề mặt nhẫn gắn một viên pha lê rộng 12 mm chứa hai chữ cái được làm từ vàng chỉ là JD (hoặc ID), theo Tổ chức Di sản quốc gia Manx trên Đảo Man.
Nếu chữ cái đầu tiên là "J", có thể chiếc nhẫn này từng thuộc về bá tước James Stanley, một người ủng hộ phe Bảo hoàng trong Nội chiến Anh. Allison Fox - người phụ trách khảo cổ tại Tổ chức Di sản Quốc gia Manx cho biết trong các thư từ và tài liệu được tìm thấy, bá tước Stanley thường ký tên là “J Derby”, vì vậy nếu hai chữ cái chạm khắc trong nhẫn là “JD” thì khả năng cao nó là của ông.
|
|
Chiếc nhẫn vàng được cho là của bá tước James Stanley. Ảnh: Bảo tàng Manx |
Bên cạnh đó, việc chiếc nhẫn vàng được chế tác một cách tinh xảo, chất lượng cũng cho thấy rằng người sở hữu nó ắt hẳn phải đến từ tầng lớp quý tộc và có địa vị xã hội cao.
Nhà khảo cổ Lee Morgan đã tìm thấy nhẫn vàng ở phía nam Đảo Man, một hòn đảo nằm giữa Anh và Ireland vào tháng 12/2020. Ngày 19/4/2021, chiếc nhẫn chính thức được tuyên bố là "báu vật" - một danh hiệu nhằm vinh danh các hiện vật đáp ứng được một số tiêu chí khảo cổ học.
Hai mặt của viên pha lê trên nhẫn được trang trí bằng loại men đen. Các nhà khảo cổ xác định niên đại của nhẫn vàng vào khoảng cuối những năm 1600 và đây là một chiếc nhẫn tang thời Stuart (1603-1714). Nhẫn tang là loại trang sức được đưa ra trong các đám tang để tưởng nhớ người đã khuất, và nó thường chạm khắc tên viết tắt của họ.
Bá tước James Stanley là người đã ủng hộ vua Charles I - người cai trị Anh, Scotland và Ireland từ năm 1625 đến năm 1649, cho tới khi ông bị hành quyết. Chế độ của Charles không nhận được sự ủng hộ từ Nghị viện Anh, những mâu thuẫn đó đã dẫn đến một loạt các trận chiến được gọi là Nội chiến Anh (1642-1651).
Trong trường hợp này, chiếc nhẫn có thể được tạo ra sau khi bá tước James Stanley bị hành quyết vào tháng 10/1651, chỉ vài năm sau khi vua Charles I qua đời. Vợ của James Stanley có khả năng đã đeo chiếc nhẫn tang để tưởng nhớ ông.
Chiếc nhẫn vàng sẽ được trưng bày tại bảo tàng Manx.