Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế, được công bố hôm 18/5 trên tạp chí Science, cho thấy, hơn 1 nửa số hồ nước lớn trên thế giới, nơi sinh sống của 25% dân số Trái đất, đã “co” lại nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua và điều này chủ yếu là hậu quả của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.

Các nhà khoa học đã sử dụng các phép đo vệ tinh, từ việc phân tích hơn 250.000 hình ảnh vệ tinh từ năm 1992 đến năm 2020, đối với gần 2.000 hồ nước lớn nhất thế giới, bao gồm hồ chứa nhân tạo, chiếm khoảng 95% tổng lượng nước hồ trên Trái đất, cho thấy chúng đang “co” dần với tốc độ đáng kinh ngạc.

leftcenterrightdel
 Hồ Elizabeth, California, Mỹ đã khô cạn nhanh chóng trong những năm qua cùng với tình trạng hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt. Ảnh: Reuters /Aude Guerrucci.
leftcenterrightdel
 Hồ Mead, Mỹ ngày 14/6/2022. Ảnh: Roger Kisby/The Washington Post/ Getty.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng 53% các hồ nước đã bị mất một lượng nước khổng lồ lên đến 21,5 tỉ m3 nước mỗi năm, kể từ năm 1992. 

Với tốc độ này, từ 1992 - 2020, thế giới đã mất lượng nước tương đương với khối lượng nước của 17 hồ Meads, hồ chứa nhân tạo lớn nhất nước Mỹ, ở Nevada, vốn có diện tích 640 km2 và thể tích hơn 32 km3. 

Tác giả chính của nghiên cứu Fangfang Yao, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Colorado, Mỹ, cho biết, sự suy giảm trữ lượng nước hồ xảy ra ở khắp mọi nơi, kể cả ở vùng nhiệt đới ẩm ướt có lượng mưa dồi dào và Bắc Cực lạnh giá. 

leftcenterrightdel
 Hồ Mar Chiquita, Argentina đang co lại nhanh chóng. Nguồn: NASA.
leftcenterrightdel
 Biển Aral, Uzbekistan, từng là hồ nước lớn thứ tư trên thế giới cạn trơ đáy (ngày 5/5/2018). Ảnh: Asahi Shimbun/Getty.

Đó là do bầu không khí khô nóng hơn, không khí ấm hơn hút nhiều nước khiến tốc độ nước bốc hơi nhanh hơn. Sản xuất nông nghiệp tăng cường cũng gia tăng sử dụng nguồn nước hồ chứa.

Trên khắp thế giới, mực nước các hồ nước lớn và quan trọng nhất đang giảm mạnh. Hồ Mead ở Tây Nam nước Mỹ đã mất 2/3 lượng nước, trong bối cảnh hạn hán khốc liệt và hàng thập kỷ sử dụng quá mức. 

Biển Caspian, nằm giữa châu Á và châu Âu, hồ nước trên lục địa lớn nhất thế giới, từ lâu đã suy giảm một cách đáng báo động.

leftcenterrightdel
 Ảnh vệ tinh Biển Aral giữa Kazakhstan và Uzbekistan thời điểm ngày 25/8/2000 và ngày 21/8/2018. Nguồn: NASA / AP.
leftcenterrightdel
 Hồ Mead, Mỹ ngày 27/1/2023. Ảnh: AP/John Locher.

Hồ Urmia, hồ nước ngọt lớn nhất của Iran ở Tây Bắc nước này đang mất khoảng hơn 1 tỉ m3 nước mỗi năm, nghiên cứu cho biết.

Báo cáo cho thấy việc tiêu thụ nước không bền vững là lý do chính dẫn đến sự co lại của Biển Aral ở Uzbekistan và Biển Salton ở California, Mỹ; trong khi những thay đổi về lượng mưa và dòng chảy đã dẫn đến sự suy giảm của Hồ Great Salt (hồ Muối lớn) ở bang Utah, Mỹ.

leftcenterrightdel
 Hồ Urmia, tây bắc Iran vào ngày 26/8/2016. Ảnh: AP/Ebrahim Noroozi.
leftcenterrightdel
 Một bến du thuyền khô nứt nẻ ở Hồ Great Salt, bang Utah, Mỹ ngày 31/8/2022, trên Hồ Great Salt, bang Utah, Mỹ. Ảnh: AP /Rick Bowmer.

Sự bồi lắng cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến dung tích và khả năng tích nước của các hồ suy giảm nhanh. Hồ Powell, hồ nhân tạo lớn thứ hai ở Mỹ đã mất gần 7% dung lượng lưu trữ do tích tụ trầm tích.

Theo nghiên cứu, chỉ có 24% hồ có lượng tích nước tăng đáng kể. Những hồ này chủ yếu ở những khu vực ít dân cư hơn, bao gồm các khu vực ở Đại Bình nguyên Bắc Mỹ và Cao nguyên Tây Tạng.

Nhà khoa học khí hậu Park Williams của Đại học California tại Los Angeles, Mỹ cảnh báo, tình trạng sông hồ khô kiệt có thể trở nên tồi tệ hơn khi xã hội tìm kiếm nhiều nước hơn với dân số ngày càng tăng và Trái đất ấm hơn.

Văn Phong/AP, CNN, Reuters