"Chúng tôi có bằng chứng không thể chối cãi cho thấy Pakistan đã triển khai chiến đấu cơ F-16 trong trận chiến và một tiêm kích bị Ấn Độ bắn hạ", Trung tướng không quân Ấn Độ R.G.K Kapoor ngày 8-4 tuyên bố trong cuộc họp báo chính thức về vụ đụng độ với Pakistan trên không phận Kashmir hôm 27/2, theo ANI.

leftcenterrightdel
Dữ liệu radar do Ấn Độ công bố. 

“Không có nghi ngờ gì về việc hai tiêm kích bị bắn rơi trong trận không chiến ngày 27/2”, ông Kapoor nói thêm khi trưng ra dữ liệu radar cho thấy một tiêm kích MiG-21 của Ấn Độ cùng một máy bay của phía Pakistan đã rơi trong vụ không chiến.

ANI khẳng định các hình ảnh radar vừa công bố được trích từ hệ thống quản lý tác chiến đặt trên máy bay cảnh báo sớm (AWACS) Ấn Độ. Hệ thống này chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc mô tả bức tranh cụ thể  về trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan.

Theo lời tướng Rapoor, New Delhi còn nắm giữ nhiều bằng chứng xác thực hơn, song không công bố rộng rãi để đảm bảo bí mật tác chiến.

leftcenterrightdel
 Dữ liệu radar do Ấn Độ công bố.

Ấn Độ và Pakistan hôm 26/2 để xảy ra vụ không chiến quy mô lớn trên bầu trời vùng tranh chấp Kashmir với sự xuất hiện của 8 tiêm kích Ấn Độ và 24 chiến đấu cơ Pakistan. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất từ năm 1971 giữa hai nước.

Ấn Độ đã mất một máy bay MiG-21 trong vụ đụng độ này. Không quân Ấn Độ nói rằng phi công Abhinandan Varthaman đã điều khiển tiêm kích MiG-21 bám đuổi chiến đấu cơ F-16 Pakistan và phóng tên lửa tầm ngắn R-73 hạ mục tiêu, nhưng bị trúng một quả tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM rồi rơi xuống đất.

Sau vụ đụng độ, Pakistan phủ nhận sử dụng F-16 do Mỹ sản xuất trong vụ không chiến. Cuối tháng 3, truyền thông Pakistan đăng tải hình ảnh thu thập đủ xác máy bay MiG-21 cũng như 4 quả tên lửa mà MiG-21 mang theo để phủ nhận thông tin Ấn Độ bắn rơi F-16.

leftcenterrightdel
Máy bay F-16 của Pakistan. Ảnh: ITN 

Cách đây ít hôm, một tạp chí quân sự Mỹ dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc nói rằng Pakistan đã mời quan chức Mỹ đến kiểm tra tình trạng phi đội F-16 để chứng minh không mất máy bay nào. Tuy nhiên, thông tin này sau đó bị bác bỏ.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm đầu tháng thậm chí khẳng định Washington đã ngừng hỗ trợ an ninh cho Islamabad từ tháng 1/2018.

Ấn Độ công bố thông tin trên trong bối cảnh mối bất hòa giữa nước này và Pakistan tiếp tục bị khoét sâu với các tuyên bố của phía Islamabad khi cho rằng New Delhi đang lên kế hoạch tấn công ồ ạt Pakistan.

Thái An