Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các bộ, ngành, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 14/10/2016) và Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về 3 nhóm nội dung thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 và phát triển năng lượng tái tạo.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. |
Qua 5 năm triển khai Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh có quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thấp nhất nước vào năm 2016, tới nay, quy mô GRDP và tổng mức đầu tư của toàn tỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, năm 2015 thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng thì năm 2021 đạt trên 4.300 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần. Giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng GRDP của Ninh Thuận đạt mức tăng bình quân 10,2%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao nhất nước, quy mô kinh tế tăng 2,16 lần. GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước (sau Hải Phòng) về tốc độ tăng chỉ số thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2016- 2020.
Năm năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của địa phương đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, quy mô và chất lượng doanh nghiệp được cải thiện. Cơ cấu đầu tư khối tư nhân ngày càng cao, hiện đang chiếm 91,4% trong tổng đầu tư toàn xã hội, đạt trên 27.300 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2015. Do vậy, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ tỷ lệ 14,93% giảm xuống còn 4,57% sau 5 năm. Tình hình chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
|
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển các nguồn năng lượng mới, an toàn, hiệu quả bảo vệ môi trường,… theo yêu cầu của Nghị quyết số 31/2016/QH14. Cụ thể, tới hết năm 2021, Ninh Thuận có quy mô phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất nước với tổng công suất là 3.205 MW, bao gồm 2.296 MW điện mặt trời trang trại, 287 MW điện mặt trời mái nhà và 622 MW điện gió. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai 4 dự án lưới truyền tải điện tại Ninh Thuận với mục tiêu đóng điện trong năm nay, tích hợp với các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các kết quả ấn tượng và rất quan trọng nói trên đã khẳng định chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và là kết quả triển khai kịp thời Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115-NQ/CP của Chính phủ.
“Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận với sự hỗ trợ của trung ương, đã huy động được các thể chế, nguồn lực để từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, thu hút được các nhà đầu tư lớn chiến lược, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, đột phá, có những dự án lớn có tính lan tỏa được triển khai” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện báo cáo giám sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, xem xét, đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, nhất là về vấn đề di dân, tái định cư, quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất sau khi dừng triển khai dự án điện hạt nhân, kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.