Trước đó, tại đợt 1 của phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối 62 điểm cầu trên toàn quốc đối với hai lĩnh vực công thương và tài nguyên, môi trường.

Tham gia phiên chất vấn đối với hai Bộ trưởng hai lĩnh vực công thương và tài nguyên môi trường đã có tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn, 35 đại biểu chất vấn lĩnh vực công thương và 45 đại biểu chất vấn lĩnh vực tài nguyên – môi trường; trong đó có 48 đại biểu trực tiếp tham gia chất vấn và 10 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì, điều hành phiên họp. 

Các Bộ trưởng các Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã trực tiếp trả lời, giải trình tiếp thu đầy đủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp…đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm các vấn đề có liên quan.

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua.

Tại phiên họp, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu và dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 cho thấy các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, đồng thời có một số ý kiến góp ý cụ thể.

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã tiếp thu, thể hiện bố cục dự thảo Nghị quyết theo hướng bỏ các điều trong dự thảo, trình bày tương tự Nghị quyết chung tại kỳ họp; bổ sung nội dung “đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để khắc phục các vấn đề bất cập, vướng mắc, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được chỉ ra trong quá trình chất vấn” thể hiện đúng diễn biến thực tế của phiên chất vấn.

Về lĩnh vực công thương, Tổng Thư ký Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng nói chung và xăng, dầu nói riêng” đối với vấn đề về xăng, dầu; “đẩy mạnh kiểm soát hoạt động thương mại điện tử để ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn, lậu thuế” đối với vấn đề về phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Bởi đây là các giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng vấn đề chất vấn.

leftcenterrightdel
100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành Dự thảo Nghị quyết. 

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Tổng Thư ký Quốc hội đã bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung về mục đích của việc sử dụng các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, đó là “bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước” do đây là mục tiêu quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nêu cụ thể việc trình Quốc hội về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do luật này thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng quản lý, trong khi nội dung nghị quyết đang nêu nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về nội dung phải khắc phục ngay tình trạng ách tắc, ùn ứ về hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới, kết hợp với đẩy nhanh việc chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai, bổ sung thêm Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan….để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.

Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vũ Cảnh