Tiếp nhận và tổ chức cai nghiện

Trước thực trạng việc tổ chức điều trị cai nghiện ma túy theo hình thức tự nguyện trên địa bàn Hà Nội chưa đạt kết quả như mong muốn, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện tự nguyện và vận động người nghiện, người sử dụng ma túy tự nguyện đi điều trị cai nghiện, góp phần giảm tác hại của ma túy đối với bản thân họ và cộng đồng.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 2.225/3.050 người, đạt gần 73% so với kế hoạch cả năm.

Trong đó, 30 quận, huyện, thị xã lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc cho hơn 970 người, vượt kế hoạch năm 2022; còn các cơ sở cai nghiện ma túy vận động, tiếp nhận gần 1.300 người đi điều trị cai nghiện tự nguyện, mới đạt khoảng 60% so với kế hoạch.

leftcenterrightdel
Tư vấn sức khỏe cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy .

Nguyên nhân chủ yếu là bản thân người nghiện ma túy che giấu tình trạng nghiện của bản thân, trong khi gia đình họ chưa chủ động phối hợp với cơ quan chức năng đưa người thân đi điều trị cai nghiện. Một số mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với hình thức cai nghiện tự nguyện lại thiếu cơ sở vật chất, thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng chuyên môn đảm nhận công tác này.

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng chú trọng nhân rộng mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” tại cộng đồng. Địa bàn được lựa chọn để triển khai là những phường, xã còn phức tạp về tệ nạn ma túy, thuận lợi cho việc đi lại… Theo đó, mô hình này đã đi vào hoạt động ở phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề (quận Long Biên); phường Xuân Phương, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm)...

Thông qua mô hình này, hàng nghìn lượt người nghiện, người sử dụng ma túy đã, đang được điều trị cai nghiện, tư vấn tâm lý. Thường xuyên đến “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” tại phường Bồ Đề (quận Long Biên), anh N.H.Q đánh giá, mô hình này tạo điều kiện cho người cai nghiện ma túy dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ điều trị vì họ vẫn được sống tại cộng đồng.

Đáng chú ý, mô hình điều trị cai nghiện ma túy bằng chất thay thế Methadone cũng được các cơ quan chức năng duy trì, tìm hướng nâng cao chất lượng hoạt động.

Theo Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố hiện có 18 cơ sở điều trị bằng Methadone với gần 5.000 bệnh nhân tham gia điều trị. Tất cả các cơ sở đều lồng ghép tối đa dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV; áp dụng “Phần mềm quản lý bệnh nhân điều trị Methadone” nhằm theo sát, nắm rõ tình hình sức khỏe của bệnh nhân để có phương án hỗ trợ điều trị phù hợp.

Phát huy lợi thế sẵn có, các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy phối hợp chặt chẽ với điểm cai nghiện tại cộng đồng để tiếp nhận đối tượng chuyển gửi vào cai nghiện tự nguyện; đồng thời phối hợp với các địa phương vận động người nghiện ma túy tự nguyện đi cai nghiện. Trong thời gian điều trị tập trung, học viên được quan tâm tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm.

Mở đường cho người cai nghiện

Để tăng hiệu quả phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội liên tục ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ này, riêng tháng 11 đã có 36 văn bản được ban hành.

Theo đó, các đơn vị liên quan tiến hành nhiều buổi khảo sát để đánh giá hoạt động mại dâm tại địa bàn công cộng và trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ở những địa phương tồn tại những điểm có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các cơ quan chức năng lên phương án triệt xóa. Nhờ đó, đến thời điểm này, tình hình tệ nạn mại dâm cơ bản được kiểm soát.

leftcenterrightdel
 
Học viên tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 2.368 người nghiện ma túy, đạt 77,6% kế hoạch chung trong năm (các quận, huyện, thị xã lập 1.074 hồ sơ cai nghiện bắt buộc, đạt 113,1% kế hoạch cả năm; các cơ sở cai nghiện ma túy vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 1.294 người, đạt 61,6% kế hoạch năm).

Ngoài ra, các địa phương quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 1.180 người, đạt 131,1%; dạy nghề cho 500 học viên cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đạt 100% kế hoạch. 

Mở đường cho người sau cai nghiện ma túy tránh xa con đường cũ, nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động của 94 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy và xây dựng được 121 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên được các cơ sở cai nghiện ma túy quan tâm, chú trọng, giúp 134 học viên có việc làm.

Hồng Vân