Xây dựng mô hình điểm để đấu tranh tội phạm ma túy

Là một địa phương có nhiều diễn biến phức tạp về tệ nạn ma túy, thời gian qua, lực chức năng xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình thiết thực.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk và Điều tra viên tiến hành kiểm đếm số lượng cây cần sa trồng trái phép tại vườn của một đối tượng.

Theo Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy - Trưởng Công an xã Cư Né, ma túy xuất hiện trên địa bàn xã Cư Né khoảng hơn chục năm trước. Nguồn cung cấp ma túy cho người nghiện trên địa bàn xã Cư Né chủ yếu từ bên ngoài thẩm thấu vào.

Trước tình hình này, lực lượng công an thường xuyên theo dõi, nắm bắt các tuyến đường người nghiện đi. Đồng thời, mật phục, tuần tra để phát hiện, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác quản lý người nghiện ở địa bàn cũng luôn được thực hiện sát sao. Từ khi lực lượng công an chính quy về đã đưa được 18 người đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, người nghiện sau khi đi cai nghiện trở về địa phương vẫn tái nghiện. Hiện Công an xã đã lập hồ sơ quản lý 20 người nghiện trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%.

Không chỉ vậy, lực lượng Công an xã đã phối hợp với đài truyền thanh xã phát ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối các nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy, tác hại của ma túy đối với người nghiện, gia đình và cộng đồng...

Đặc biệt, năm 2022, xã Cư Né đã thực hiện kế hoạch xây dựng và tổ chức hoạt động mô hình “Buôn Kmu – hai không một giảm về ma túy”.

Thiếu tá Duy cho biết, việc thực mô hình nói trên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và phong trào khác ở địa phương. Từ đó, thực hiện thành công mục tiêu “nói không với ma túy”, phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, đẩy lùi tệ nạn ma túy, giảm thiểu số người nghiện ma túy trên địa bàn.

Qua mô hình “Buôn Kmu – hai không một giảm về ma túy” cũng nhằm quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy tham gia cai nghiện cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, kiên quyết không để hình thành điểm nóng, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Ngoài ra, còn tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Để thực hiện được mô hình nói trên, Trưởng Công an xã Cư Né cho biết, tất cả các cơ quan, đoàn thể tại xã Cư Né đều vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu “không trồng cây chứa chất ma túy, không có tụ điểm phức tạp về ma túy, giảm số người nghiện”.

Theo đó, quá trình thực hiện, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Đồng thời, vận động quần chúng quản lý, giáo dục người vi phạm tại gia đình, cộng đồng và khu dân cư.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn nhận thức được sự nguy hiểm của ma túy. Từ đó, chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, tội phạm liên quan đến ma túy. Cứ như thế, mỗi người trở thành một chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh với ma túy.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an đến từng nhà dân để tuyên truyền về phòng chống ma túy.

Theo ông Lục Duy Phương - Chủ tịch UBND xã Cư Né, trên địa bàn xã có khoảng hơn 3.700 hộ, hơn 16.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 60%, chủ yếu tập trung các buôn. Toàn xã có 14 buôn, 7 thôn. Mô hình hai không một giảm đang triển khai hiệu quả tại buôn Kmu. Tuy nhiên, tình hình ma túy trên địa bàn xã vẫn đang diễn ra phức tạp, chủ yếu thanh thiếu niên trong các buôn.

Đẩy mạnh, làm tốt công tác tham mưu

Cùng với việc nhân rộng các mô hình điểm về ma túy, Thiếu tá Lê Văn Thanh – Phó Tưởng Công an huyện Krông Búk cho hay, thời gian qua Công an huyện đã phối hợp với các phòng chức năng Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành đánh giá tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn để có biện pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả.

Ngoài công tác đấu tranh, Công an huyện Krông Búk đã nỗ lực làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy chính quyền.

Theo đó, Công an huyện Krông Búk đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Theo đó, đưa các đồng chí trong hệ thống chính trị cơ sở như Chủ tịch UBND các xã vào các ban này để nắm và triển khai các nội dung liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Mặt khác, tham mưu cho UBND huyện có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở các xã tăng cường các mặt công tác tuyên truyền, rà soát địa bàn, đi kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình trồng cây cần sa trái phép. Qua đó, tuyên truyền cho người dân biết, đây là loại cây chứa chất ma túy mà pháp luật cấm, không được trồng.

Công an huyện Krông Búk cũng tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ đối tượng nghiện, nghi nghiện ma túy, để có biện pháp phối hợp với UBND các xã quản lý các đối tượng này và có hình thức cai nghiện tại cộng đồng. Mặt khác, tham mưu cho lãnh đạo UBND các xã đến từng gia đình làm công tác vận động, tuyên truyền về hậu quả của ma túy và giáo dục con em nhằm từng bước giảm dần tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn.

Ngoài ra, Công an huyện này còn tổ chức tham mưu cho UBND các cấp làm công tốt công tác chính sách đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Để từ đó, có những giải pháp thiết thực, cụ thể để đảm bảo các chính sách cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Búk nói chung và xã Cư Né nói riêng nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Mặt khác, có định hướng phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống cho người dân, ổn định công ăn việc làm... Chỉ có như vậy, mới giảm được tình trạng nghiện ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy./.

Nguyễn Chính - Tâm An