Những hậu quả khôn lường do ma tuý để lại
Trước những diễn biến phức tạp của tệ nạn ma túy trong thời gian qua, các ngành chức năng huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

leftcenterrightdel
 Công an xã Cư Né, huyện Krông Búk đấu tranh với nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy.

Thiếu tá Lê Minh Cảnh – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy, Công an huyện Krông Búk cho hay, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn huyện trong thời gian qua diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng về số đối tượng, tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo số liệu thống kê đến ngày 12/10/2022, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Krông Búk là 51 người; tổng số người nghiện ma túy là 19 người.

Theo Thiếu tá Lê Minh Cảnh, quá trình phạm tội, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Theo đó, các đối tượng không trực tiếp giao nhận ma túy cho nhau mà để ở một nơi nào đó rồi hẹn đến lấy. Khi bị phát hiện về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, nhiều đối tượng lập tức ném đi chỗ khác, gây khó khăn, phức tạp cho cơ quan công an trong việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng...

leftcenterrightdel
Thời gian quan Công an huyện Krông Búk phát hiện nhiều đối tượng trồng trái phép cây cần sa trong rẫy.

Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Krông Búk nổi lên tình trạng trồng trái phép cây cần sa ở các địa điểm tương đối xa khu dân cư, hẻo lánh và ít người qua lại. Những người trồng cần sa lại chủ yếu là người của địa phương khác.

Từ thực tế trên gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy.

Tệ nạn ma túy đã để lại hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội trên địa bàn huyện Krông Búk trong thời gian qua. Để có tiền sử dụng ma túy, các đối tượng đã tiêu tán hết tài sản của gia đình. Khi không còn gì để bán, các đối tượng đã tìm cách trộm cắp tài sản của người dân mang đi bán để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện.

Hơn thế nữa, người nghiện ma túy hầu hết đều kiệt quệ về sức khỏe, không còn khả năng lao động. Không chỉ vậy, sau khi được đi cai nghiện, hầu hết các đối tượng đều tái nghiện và không thể dứt bỏ được vòng xoáy của ma túy. Đau lòng hơn, đã có một số trường hợp sốc ma túy và bỏ mạng.

Triển khai nhiều biện pháp đấu tranh với tội phạm

Đứng trước thực trạng nói trên, Thiếu tá Lê Minh Cảnh cho rằng, công tác đấu tranh, phòng chống tệ nạn và tội phạm về ma túy là một cuộc chiến đầy cam go và cần sự vào cuộc của cả xã hội.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm với ma túy, Công an huyện Krông Búk đã chỉ đạo triển khai toàn diện các biện pháp để nắm bắt các đối tượng và quản lý địa bàn. Theo đó, lực lượng công an tiến hành lên danh sách tất cả các đối tượng có biểu hiện sử dụng, tàng trữ hoặc mua bán trái phép chất ma túy để lập hồ sơ quản lý.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng lồng ghép việc tuyên truyền về tệ nạn ma túy tại nhiều cuộc họp với người dân.

Đồng thời, phối hợp với các xã quản lý đối tượng và áp dụng các biện pháp như giáo dục, cai nghiện, tiến tới giảm số lượng người nghiện trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tuyên truyền trực tiếp tại các thôn có số người nghiện cao, qua các hội nghị...

Mặt khác, để triệt phá được các tụ điểm trồng cây cần sa trên các rẫy vắng, Công an huyện Krông Búk đã huy động công tác vận động quần chúng. Theo đó, lực lượng công an tổ chức tuyên truyền cho người dân cách nhận diện cây cần sa. Từ đó, người dân địa phương sẽ hỗ trợ theo dõi, báo tin cho công an. Mặt khác, chỉ đạo công an các xã đi rà soát tất cả các địa bàn để phát hiện các trường hợp trồng trái phép cây cần sa.

Theo Thiếu tá Lê Minh Cảnh, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, tất cả các đối tượng trồng cần sa đều sử dụng “bùa hộ mệnh” trồng cần sa để cho gia súc, gia cầm ăn chống bệnh tật nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh quyết liệt lực lượng Công an huyện Krông Búk đã triệt phá được các đường dây ma bán cần sa quy mô lớn.

leftcenterrightdel
 Lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy đến người dân.

Chưa dừng lại ở đó, Công an huyện Krông Búk chỉ đạo các cán bộ công an am hiểu tiếng đồng bào dân tộc thiểu số xuống cơ sở trực tiếp gặp gỡ các già làng, trưởng bản, người có uy tín để trao đổi, nhờ họ hỗ trợ tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy, đồng thời vận động người dân chung tay phòng ngừa loại tội phạm này trong các cuộc họp thôn, buôn. Bởi lực lượng người có uy tín được người dân tin tưởng, nể phục nên tác động tư tưởng, tâm lý đến người dân và các đối tượng mạnh hơn. Khi phối hợp với lực lượng chức năng để tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, ban dân vận của huyện Krông Búk cũng thành lập tổ công tác liên ngành để làm công tác dân vận trên địa bàn.

Xuất phát từ những nỗ lực nói trên, từ ngày 16/12/2021 đến ngày 15/11/2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Krông Búk đã phát hiện 14 vụ/22 đối tượng. Trong đó, triệt xóa nhiều tụ điểm như: 2 vụ/2 đối tượng trồng trái phép cây cần sa; 1 vụ/6 đối tượng trồng trái phép cây cần sa, mua bán trái phép chất ma túy; 1 vụ/2 đối tượng tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy; 10 vụ/12 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Qúa trình triệt phá các vụ án nói trên, lực lượng công an đã thu giữ 3,0818 gam chất ma túy loại Hêrôin; 3,6kg chất ma túy loại cần sa; 4,015 gam chất ma túy loại Methamphetamine; 1.799 cây cần sa.

Trong đó, vụ án điển hình được triệt phá là vụ án hình sự về tội trồng cây cần sa và mua bán trái phép chất ma túy được Công an huyện Krông Búk phát hiện, triệt phá. Qua đó, khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng, đồng thời thu giữ 1.635 cây cần sa và 3,6kg hoa cây cần sa đã được thu hoạch. Đây là vụ án rất nghiêm trọng với quy mô, tính chất, tổng số cây cần sa thu giữ lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Krông Búk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung./.

Nguyễn Chính – Tâm An