Ngày 27/8, hàng nghìn sinh viên tại ký túc xá phía Tây (quận Liên Chiểu) đã được di chuyển sang KTX phía Đông (quận Ngũ Hành Sơn) để bàn giao các phòng ở cho TP Đà Nẵng chuẩn bị thiết lập bệnh viện dã chiến quy mô 2.000 giường điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định thiết lập thêm bệnh viện dã chiến có quy mô 2.000 giường tại khu Ký túc xá phía Tây TP Đà Nẵng (đường Hà Văn Tính, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Đồng thời, giao Giám đốc Sở Y tế cử kiêm nhiệm Giám đốc và các Phó Giám đốc bệnh viện dã chiến này.
|
|
TP Đà Nẵng đã có quyết định thiết lập thêm bệnh viện dã chiến có quy mô 2.000 giường tại khu Ký túc xá phía Tây TP Đà Nẵng. (ảnh: HN) |
Bệnh viện dã chiến này là cơ sở 3 của bệnh viện Đà Nẵng, hạng I, có quy mô trên 2.000 giường, được chia làm 2 giai đoạn thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Phạm vi hoạt động chuyên môn của bệnh viện dã chiến này là cách ly, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 theo quy định và thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của bệnh viện Đà Nẵng đã được Sở Y tế phê duyệt.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, giai đoạn 1, thành phố sẽ sử dụng 3 khối nhà của khu ký túc xá, quy mô 1.000 giường, tập trung thiết lập khối nhà chính, bố trí đầy đủ các khu cho toàn bộ bệnh viện dã chiến theo quy định của Bộ Y tế (có khu cấp cứu bệnh nhân diễn biến nặng). Còn giai đoạn 2 sẽ sử dụng 3 khối nhà còn lại, quy mô 1.000 giường, cũng được bố trí đầy đủ khác khu chức năng.
Trong ngày 27/8, để giúp cho sinh viên vận chuyển đồ dùng cá nhân, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ di dời toàn bộ vật chất ở các khu nhà ở xuống tầng 1, đưa lên xe ô tô vận chuyển qua khu ký túc xá mới.
|
|
Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ sinh viên di dời toàn bộ vật chất (ảnh: HN) |
Mặc dù khối lượng hàng hoá nhiều, cộng với thời tiết nắng nóng nhưng với sự quyết tâm cao, mỗi người làm 200% công sức để hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Binh nhì Mai Xuân Lân - chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 971 cho biết: "Trong giai dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh trong đó có Đà Nẵng, xác định Quân đội là lực lượng tiên phong trong tuyến đầu chống dịch, được cán bộ đơn vị quán triệt, bản thân tôi và các đồng đội quyết tâm làm 1 bằng 2 để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao KTX thiết lập bệnh viện dã chiến cho kịp thời gian".
Được biết, trong ngày 27/8, gần 400 sinh viên đã được di chuyển sang ký túc xá mới. Số lượng sinh viên còn lại sẽ tiếp tục di chuyển để kịp bàn giao nhà cho TP làm bệnh viện dã chiến.
|
|
Thành phố sẽ sử dụng 3 khối nhà của khu ký túc xá, quy mô 1.000 giường để thiết lập bệnh viện dã chiến. (ảnh: HN) |
Hiện, TP Đà Nẵng đang có 3 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 là bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và bệnh viện dã chiến cơ sở 2 của bệnh viện Đà Nẵng.
Cũng trong ngày 27/8, bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức tiễn đoàn y, bác sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch COVID-19. Đoàn chi viện đợt này gồm 15 bác sĩ, 29 điều dưỡng viên, 5 kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm từ tất cả khoa, phòng của bệnh viện.
Chiều 27/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày Đà Nẵng ghi nhận 202 ca mắc. Đây là số ca mắc cao nhất kể từ khi TP Đà Nẵng áp dụng chính sách phong toả cứng “ai ở đây thì ở đó”.
Trong đó, 93 trường hợp cách ly tập trung, 43 người cách ly tạm thời tại nhà; 55 cá nhân trong khu phong tỏa và 11 ca cộng đồng. Có 8 trường hợp có triệu chứng đến khám, xét nghiệm tại cơ sở y tế, 3 ca cộng đồng còn lại được phát hiện khi lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình tại quận Hải Châu.
Có 4 ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây, gồm 2 ca lấy mẫu hộ gia đình tại các phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), 1 ca có triệu chứng được lấy mẫu tại nhà và 1 ca có triệu chứng đến khám tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Theo CDC Đà Nẵng, đáng lo ngại là số ca được phát hiện trong các ngõ, hẻm ở các quận trung tâm TP đang tăng. Trong đó, tại phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) trong ngày ghi nhận thêm 48 ca mắc mới.
Các ca mắc mới này nằm các ngõ, hẻm trên trục đường Trần Cao Vân. Cụ thể, tại K158 ghi nhận 11 ca, tại K246 ghi nhận 10 ca, K260 ghi nhận 10 ca, K244 ghi nhận 5 ca, K254 ghi nhận 4 ca, K236 ghi nhận 2 ca. Như vậy, trên trục đường Trần Cao Vân đã ghi nhận tổng cộng 140 ca, trong đó K236 đã có tổng cộng 33 ca, K258 có tổng cộng 11 ca, K158 (20 ca)…
Tại quận Hải Châu có thêm 61 ca dương tính với COVID-19. Những trường hợp mắc mới trú ở kiệt, hẻm tại các đường: Hoàng Diệu, Trương Nữ Vương, Ngô Chi Lan, đường 3 Tháng 2, Châu Thượng Văn, Lý Tự Trọng, Ngô Gia Tự...
Về tình trạng F0 lây lan tại ngõ, hẻm ở Đà Nẵng, trước đó ngày 23/8, tại kiệt 524 Hoàng Diệu (phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu) cũng ghi nhận có 37 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại ngõ này lên 65 F0.
Trong cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 thành phố diễn ra chiều 27/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, các ngõ, hẻm là nhà dân sát nhau, diện tích nhỏ, việc lây lan rất dễ dàng. Không chỉ khu vực ngõ, hẻm trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) mà nhiều khu vực phong tỏa nhỏ, hẹp khác trên toàn địa bàn thành phố cũng luôn tiềm ẩn các nguy cơ mắc COVID-19.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu CDC Đà Nẵng xây dựng phương án chung cho toàn thành phố không để tình trạng F0 lây lan tại các khu dân cư sâu trong ngõ, hẻm. Trong đó tập trung vào một số nội dung như nâng cao hiệu quả, bố trí lực lượng canh gác tại các chốt kiểm soát; không được đưa hàng hóa từ khu phong tỏa ra bên ngoài; bố trí khu tập kết rác thải thuận lợi cho việc xử lý và thu gom vận chuyển; tuần tra, giám sát thường xuyên trong khu vực phong tỏa để nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm quy định phòng, chống dịch…
|