Trình báo tại Công an phường Nại Hiên Đông và Công an quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), nhà báo Hoàng Văn Quân (bút danh Hoàng Quân) công tác tại Chuyên đề Báo Công an TP HCM cho biết, vào lúc 15 giờ 49 phút ngày 11/2, anh nhận được điện thoại từ số 0917.279.7XX của người đàn ông.

Người này nhiều lần chửi tục, đe dọa là: “tau giết cả nhà mày đó nghe Quân; tao đập chết mày như một con chó; tao không đánh được mày thì tai nạn ô tô, xe máy với mày; mày sẽ tai nạn chết thôi; không mày thì con mày nhé”...

Qua điện thoại, người đàn ông xưng là làm doanh nghiệp và giới thiệu là anh của bà Trần Thị Hải là người liên quan trong bài viết của tác giả Hoàng Quân đăng trên Chuyên đề Báo Công an TP HCM phản ánh về một vụ việc vay nợ có dấu hiệu của tội phạm cho vay lãi nặng.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Hoàng Quân trình báo sự việc đến Cơ quan Công an.

Cuộc gọi này kéo dài 7 phút 4 giây, chủ yếu là giọng chất vấn, đe dọa của người đàn ông này đối với nhà báo Hoàng Quân. Người đàn ông liên tục chửi bới, dùng lời lẽ dọa giết cả gia đình khiến nhà báo Hoàng Quân hoang mang, lo lắng. Vợ con nhà báo cũng hoảng loạn, lo lắng vì những lời đe dọa nói trên. Sau khi nghe điện thoại, nhà báo Hoàng Quân đã trình báo sự việc (gửi kèm file ghi âm cuộc gọi điện thoại) đến các cơ quan, ban ngành, các lãnh đạo, Ban Biên tập Chuyên đề Báo Công an TP HCM.

Liên quan đến sự việc, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, nếu cá nhân tổ chức có cơ sở chứng minh nhà báo đưa tin không đúng sự thật thì họ có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại cần có văn bản kèm theo các chứng cứ chứng minh để yêu cầu Toà soạn đính chính, gỡ bỏ bài viết hoặc có thể khởi kiện đến Toà án buộc người loan truyền thông tin sai sự thật chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, bồi thường thiệt hại (nếu có) và cải chính thông tin theo quy định tại Điều 42 Luật Báo chí 2016.

Thậm chí, nếu cho rằng, thông tin từ phía báo chí đưa ra là vu khống, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân thì cá nhân, tổ chức có thể làm đơn gửi đến cơ quan công an nhờ can thiệp, điều tra, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sau khi Chuyên đề Báo Công an TP Hồ Chí Minh đăng tải bài viết, thì có một người đàn ông chủ động gọi điện thoại cho nhà báo Hoàng Quân, tự xưng là anh trai của bà H rồi chửi bới, đe dọa giết, gây tai nạn cho nhà báo Hoàng Quân và người thân trong gia đình là có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật và cơ quan Công an sẽ vào cuộc làm rõ khi có đơn trình báo của người bị đe dọa.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, căn cứ khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 và Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP hành vi gọi điện đe dọa nhà báo Hoàng Quân như trên có thể bị  phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Trong các trường hợp ở mức độ nghiêm trọng và tùy thuộc vào từng vi phạm cụ thể thì hành vi đe dọa giết người (nhà báo, người thân nhà báo) còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Đe dọa giết người”.

Theo đó Điều 133 BLHS 2015, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, trường hợp đe dọa đối với 2 người trở lên hoặc đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân… thì người đe dọa có thể nhận mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, nhà báo Hoàng Quân cho biết, người gọi điện cho anh tên là Đức. Sau cuộc gọi chiều 11/2, đến sáng 12/2, người này có gọi lại cho anh nói rằng sau khi những người có tên trong bài viết đăng trên Chuyên đề Báo Công an TP HCM nói với ông về sự việc bị nêu trên báo. Do có uống rượu nên người đàn ông này bức xúc và gọi điện chửi bới nhà báo Hoàng Quân với những lời lẽ thiếu kiềm chế.
Xuân Nha