Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, sau khi báo chí phản ánh về cây gỗ lớn được vận chuyển nghênh ngang trên QL1A, Cục Kiểm lâm đã vào cuộc yêu cầu Kiểm lâm các địa phương kiểm tra, xác minh nguồn gốc cây. Ngày 06/4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo Cục kiểm lâm về nguồn gốc của 3 cây gỗ lớn đang bị tạm giữ ở Huế.

 
 3 gốc cây khủng lớn như một tòa nhà đang bị tạm giữ tại Huế

Một “quái thú” bị “làm xiếc” hồ sơ

Kết quả xác minh của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho thấy, 3 “quái thú” đang bị tạm giữ ở Huế đều là cây đa sộp được khai thác ở Đắk Lắk, thuộc sở hữu của ông Kiều Văn Chương, SN 1986, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

“Quái thú” thứ nhất được vận chuyển trên xe đầu kéo BKS 73C – 021.48, rơ moóc BKS 73R – 003.82 có nguồn gốc của trên đất nông nghiệp của chủ cây là ông Phạm Đình Thưởng, trú tại thôn 3, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk. Cây được chính quyền, kiểm lâm sở tại kiểm tra, xác minh thực tế ngày 21/3, ngày 23/3 thì được UBND xã xác nhận nguồn gốc để vận chuyển.

 
 Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk xác định 3 "quái thú" đang bị tạm giữ tại Huế là đa sộp, trong đó có 1 cây hồ sơ không đúng thực tế

“Quái thú” thứ hai được vận chuyển trên xe đầu kéo BKS 73C – 046.05, rơ moóc BKS 73R – 002.01 có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của chủ cây là ông Y Nô Byă, ở Buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Cây được chính quyền, kiểm lâm sở tại kiểm tra, xác minh thực tế, xác nhận nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 22/3.

Riêng “quái thú” thứ 3 được vận chuyển trên xe tải BKS 73C – 028.80 thì không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị “làm xiếc” hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Bởi theo hồ sơ lâm sản do chủ sở hữu cây trình, thì nguồn gốc cây của bà H’Yô Na Buôn Yă, ở buôn Sú, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, đã được bà H’Phi La Niê- Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận ngày 23/3. Hồ sơ này, không có chữ ký xác nhận của Kiểm lâm địa bàn.

 
 Bà H’Yô Na Buôn Yă, ở buôn Sú, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng khẳng định không ký vào hồ sơ này và vườn rẫy của bà không có bất kỳ cây đa sộp nào.

Tuy nhiên, ngày 05/4 Hạt Kiểm lâm Krông Ana đã xác minh và xác định bà H’Yô Na Buôn Yă không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào và trên vườn rẫy của bà H’Yô Na Buôn Yă không có bất kỳ cây đa sộp nào.

Riêng Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, bà H’Phi La Niê thừa nhận chữ ký trong hồ sơ là của bà, nhưng giải thích lý do ký vào hồ sơ là do giải quyết hồ sơ hàng ngày cho dân nhiều nên không đọc hết nội dung các đơn và do bản thân chủ quan nên đã ký xác nhận đơn khai thác, vận chuyển ngày 23/3.

“Như vậy, hồ sơ nguồn gốc lâm sản xe biển số 73C – 02880 theo báo cáo 203/BC-CCKL ngày 05/4/2018 của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế là không đúng với thực tế” – Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk khẳng định.

Hành trình cây khủng, nghi của Tướng Dánh?

Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, khoảng 20h ngày 26/3, một gốc cây gỗ siêu khủng được xe đầu kéo BKS 73C – 034.64, có rơ moóc BKS 73R-003.38 của DN Hải Sơn (Quảng Bình) chở nghênh ngang trên QL1A từ Quảng Bình đi qua Hà Tĩnh – Nghệ An để ra các tỉnh phía Bắc. Dẫu cây gỗ rất lớn, che chắn sơ sài, nằm hẳn ra ngoài thành thùng xe… Nhưng vẫn "lọt" qua nhiều chốt chặn của các lực lượng chức năng địa phương như: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông…

Tại thời điểm đó, có thông tin cây gỗ khủng này được chở cho Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, nguyên Phó Cục trưởng Cục CSGT. Trực tiếp báo Dân trí cung cấp thông tin cây gỗ này của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh và một lãnh đạo Phòng CSGT một tỉnh ở Miền Trung cũng xác nhận vấn đề này trên báo Dân trí.

 
 Cây gỗ khủng nghi của Tướng Dánh đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh đêm 26/3

Về hành trình di chuyển của "quái thú" này, Giám đốc DN Hải Sơn, ông Nguyễn Hải Sơn đã thừa nhận vận chuyển từ huyện Ea Kar (Đắk Lắk), xuôi theo QL26 về TX Ninh Hòa (Khánh Hòa), rồi theo QL1A đi ra Hà Nội.

Ngày 04/4, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xác nhận hành trình di chuyển của xe chở cây khủng này xuất phát từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đêm 22/3. Thiết bị giám sát hành trình của xe ghi nhận xe chạy theo tuyến QL26, qua xã Ea Ka về TX Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Xe tiếp tục di chuyển trên tuyến QL1A ra Bắc, đến Ninh Bình đi vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau đó xe đi qua cầu Thanh Trì (Hà Nội) và đến điểm dừng là khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) sáng 27/3. Chiếc xe này nằm lại đây 2 ngày trước khi chạy về Thạch Thất, Hà Nội.

 
 Hành trình cây khủng như "quái thú" nghi của Tướng Dánh trên QL26 và QL1A từ Đắk Lắk ra Hà Nội

Hành trình của xe chở “quái thú” cũng được ghi nhận cụ thể hơn, lúc 18h ngày 23/3 đi qua huyện Ea Kar, theo QL26 xuôi về TX Ninh Hòa (Khánh Hòa). Sáng ngày 24/3 xe theo QL1A đi qua địa phận tỉnh Phú Yên. Đêm 24/3 rạng sáng ngày 25/3 xe ra đến Quảng Ngãi. Nửa đêm 25/3 ra đến Quảng Bình. Chiều tối 26/3 xe từ Quảng Bình đi ra Hà Tĩnh, qua Nghệ An- Thanh Hóa. Đến sáng 27/3 thì đến EcoPark (Hưng Yên) và nghỉ tại đây. Sáng 29/3 xe di chuyển về Hà Nội.

Như vậy, hành trình của “quái thú” nghi của Tướng Dánh này đã băng băng trên QL26 và QL1A bất kể ngày đêm, vượt qua 16 tỉnh, thành phố với hơn 30 trạm, điểm tuần tra, kiểm soát của CSGT các tỉnh trên quốc lộ. Vậy mà không có trạm, điểm tuần tra kiểm soát nào thấy “quái thú” này nghênh ngang trên quốc lộ?! Mặc dầu lực lượng tuần tra, kiểm soát của CSGT các tỉnh luôn túc trực 24/24h trên đường, trong khi xe chở "quái thú" này vi phạm an toàn giao thông rất rõ ràng, khi chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ.

Bùi Văn