Ngày 20/4/2023, bà N.T.N., trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội đang đi làm thì nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an phường kiểm tra thông tin cá nhân.

Sau đó, “cán bộ công an” này cho biết, căn cước công dân của bà N. bị đối tượng xấu giả danh để vay số tiền 1 tỉ đồng tại ngân hàng.

Thời điểm đó, nạn nhân cũng đã nhiều lần khẳng định không vay tiền. Nhưng kẻ giả danh lại tiếp tục “tấn công” bằng việc nói rằng bà N. có liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, cần xác minh các tài khoản ngân hàng nhận tiền của… đồng bọn.

Bị tấn công dồn dập, lại hoang mang, sợ hãi vì nghĩ có kẻ xấu lợi dụng nên khi được yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản của “Công an” để “điều tra”, thì bị hại đã làm theo.

Toàn bộ số tiền hơn 2 tỉ đồng nạn nhân đang gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng, đã được bà N. rút hết và chuyển cho đối tượng lừa đảo. Đến lúc biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà N. ngậm ngùi đi đến cơ quan Công an trình báo.

Hiện, vụ việc đang được Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội tiếp nhận điều tra.

leftcenterrightdel
 Thời gian qua, Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận được đơn trình báo của người dân bị các đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: CAHN).

Tiếp đó, ngày 25/4/2023, Công an huyện Đông Anh tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (SN 1982), trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an.

Đối tượng thông báo anh T. có liên quan đến một vụ án rửa tiền và buôn bán ma tuý khoản. Sau đó, đối tượng yêu cầu anh phải cài đặt phần mềm, đăng nhập tài khoản trên điện thoại và cung cấp thông tin để chứng minh không liên quan.

Anh T. phát hiện tài khoản Internet Banking của mình không đăng nhập được nên đã đến cây ATM để kiểm tra thì phát hiện tài khoản bị mất hơn 2,2 tỉ đồng. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, vào sáng ngày 11/4/2023, bà H. (SN 1967) trú tại quận Hà Đông nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là nhân viên mạng Viettel thông báo số điện thoại của bà đang phát tán nhiều tin nhắn rác, cần liên hệ với Công an để hỗ trợ.

Tiếp đó, có 1 đối tượng gọi điện thoại đến tự xưng là cán bộ Công an Hà Nội thông báo bà đang liên quan đến vụ án ma tuý, yêu cầu bà kê khai toàn bộ số tài khoản ngân hàng, rút toàn bộ số tiền hiện có.

Đến 11h cùng ngày, bà H. đến ngân hàng BIDV phòng giao dịch An Hưng – chi nhánh Hà Đông yêu cầu rút 60 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.

Do phát hiện có nhiều biểu hiện đáng nghi vấn, nhân viên ngân hàng BIDV đã liên hệ với Đội An ninh Công an quận Hà Đông và được hướng dẫn đề nghị tạm thời không thực hiện giao dịch.

Đội An ninh Công an quận Hà Đông đã phối hợp với ngân hàng tuyên truyền về hình thức lừa đảo. Sau khi được giải thích cụ thể, bà H. đã ngừng việc rút tiền. 

leftcenterrightdel
 Công an huyện Ba Vì đã ngăn chặn kịp thời vụ giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. (Ảnh: CAHN).

Qua những vụ việc trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp các tài khoản ngân hàng, mã OTP hay truy cập các đường link lạ, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

H.P