(BVPL) - Viện kiểm sát cáo buộc hình sự nhưng luật sư lập luận là giao dịch dân sự. Vì vậy, sau hơn 3 năm dù đã được điều tra, xét xử lại nhiều lần nhưng tòa án chưa thể ra phán quyết cuối cùng đối với bị cáo Đoàn Đức Hà (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội).
 
Mở tòa nhưng chưa kết được tội
 
Theo truy tố của Viện kiểm sát, khoảng tháng 11/2011, anh Nguyễn Thành Đô (SN 1976, trú tại huyện Từ Liêm, Hà Nội) thỏa thuận (không có hợp đồng) vay của anh Trần Văn Thắng (SN 1973, quê Nghệ An), 800 triệu đồng, lãi suất 4 triệu đồng/ngày. 
 
Do anh Đô chưa có tiền trả nợ, ngày 18/1/2012, anh Thắng cùng bạn là Đoàn Đức Hà (SN 1984, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), yêu cầu anh Đô viết giấy nhận nợ 800 triệu đồng. Giấy này ghi nội dung là tiền anh Thắng đặt cọc mua ngôi nhà 3,5 tầng tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội (40 triệu đồng/m2) của anh Đô; chốt 10/10/2012 giao nhà và hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng. Trong đó, chị Nguyễn Thị Xoan, em ruột anh Đô, cùng ký vào giấy biên nhận.
 
Đến ngày 17/9/2012, anh Thắng tiếp tục buộc anh Đô viết giấy biên nhận 600 triệu đồng, thời hạn giao nhà ngày 10/10/2012. Đúng hẹn, anh Đô không giao nhà mà trả anh Thắng 700 triệu đồng.
 
Vì Hà đã đưa cho anh Thắng 800 triệu đồng nên ngày 13/1/2013, anh Thắng viết giấy ủy quyền và đưa cho Hà CMND của mình, 2 giấy nhận tiền để chuyển quyền đòi nợ cho Hà. 
 
Tháng 1/2013, Hà kể sự việc cho Nguyễn Văn Quang, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Quang đã đi cùng Hà trèo tường vào căn nhà Đô đề nghị Đô phải trả 800 triệu đồng và ở tại đó. Sau đó, Quang rủ thêm Nguyễn Trần Cường quê Phú Thọ đến ở cùng. Đến 12/6/2013, Cường và Quang đề nghị Đô đưa giấy tờ nhà để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà hoặc là phải trả tiền nợ. Đô không đồng ý, Quang dùng chiếc điếu cày ở quán nước vụt vào người, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu anh Đô. Cường thì dùng chân, tay đấm đá Đô. 
 
Giai đoạn đầu, Đoàn Đức Hà bị VKSND huyện Từ Liêm cáo buộc tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 3, Điều 135 BLHS. Vụ án được TAND huyện Từ Liêm đưa ra xét xử ngày 20/12/2013. Sau thảo luận tại phòng nghị án Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa thể đồng thuận với bản cáo trạng mà VKSND Từ Liêm để kết tội Hà mà buộc phải ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
 
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa
 
Ngày 15/6/2015, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử nhưng tạm hoãn. Mới đây nhất, vào tháng 7/2015, mở lại phiên xét xử sơ thẩm nhưng HĐXX của TAND TP Hà Nội vẫn không thể đưa ra phán quyết. Một lần nữa tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong quá trình  thẩm vấn, tranh luận, HĐXX nhiều lần tạm nghỉ để hội ý.
 
Là giao dịch dân sự hay hình sự?
 
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội diễn ra vào tháng 7/2015, các bị cáo đều không nhận tội. Bị cáo Hà nói, anh Đô thuận tình giao nhà nên bị cáo không phải là người xâm hại chỗ ở. Các bị cáo khác cũng đều kêu oan và cho rằng, bị bức cung nên mới có lời nhận tội ở giai đoạn điều tra.
 
Theo Luật sư bào chữa phân tích, tội “Cưỡng đoạt tài sản” nêu: người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Ở vụ án này, thời gian Hà cùng 2 bị cáo ở trong nhà của anh Đô dài ngày, chứ không phải “ngay tức khắc” thực hiện hành vi đe dọa. Và việc Đô để cho các bị cáo ở trong nhà 5 tháng mà không trình báo cơ quan chức năng vì giữa họ có thỏa thuận.
 
Đặc biệt, anh Đô, Quang, Cường khai, tháng 6/2013, không đòi 800 triệu đồng mà đòi giấy tờ nhà. Vậy, ban đầu là đòi tiền sau chuyển sang giao dịch khác (mua bán nhà) nên đây là giao dịch dân sự, là chuyển quyền đòi nợ.
 
Về tội Xâm phạm chỗ ở, luật sư phân tích, ngôi nhà của anh Đô xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và chưa được cấp “sổ đỏ”. Trong khi đó, Điều 124 BLHS quy định về tội “Xâm phạm chỗ ở” phải là chỗ ở hợp pháp. Vì vậy, luật sư bào chữa rằng, ở cả 2 tội, chưa đủ căn cứ kết tội các bị cáo.
 
Từ chứng cứ và diễn biến phiên tòa, TAND TP Hà Nội chưa thể đưa ra bản án cuối cùng mà phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Và mới đây, TAND TP Hà Nội tiếp tục ấn định ngày 24/3 đưa Đoàn Đức Hà ra xét xử về tội “Cướp tài sản” thay vì tội “Cưỡng đoạt tài sản” như những lần trước.
 
Ở góc độ trình tự, thủ tục tố tụng Hình sự, Luật sư Cao Xuân Vượng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã  quy định VKSND và TAND được trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, không phải VKSND hay Tòa án "thích" trả hồ sơ bao nhiêu lần cũng được. Theo Khoản 2 Điều 121 BLTTHS quy định, VKSND hoặc TAND chỉ được phép trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá 2 lần. Thời hạn điều tra bổ sung cũng được quy định rõ để hạn chế việc kéo dài thời gian điều tra. Cụ thể, trường hợp vụ án do VKSND trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng; nếu do Tòa án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng.
 
Nếu như một vụ án mà kéo dài 3 năm chưa tuyên được bản án sơ thẩm thì theo tôi cần xem xét lại về trình tự, thủ tục tố tụng, thời gian điều tra bổ sung. Về góc độ nội dung, vụ án này cần xác định hành vi của các bị cáo là giao dịch dân sự hay hình sự. Luật sư Cao Xuân Vượng nhấn mạnh./.
 
Loan Hoàng