Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về việc để xảy ra những vụ phá rừng liên tiếp trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Trần Văn Lương cho rằng, quản lý Nhà nước cũng là kiểm lâm, bảo vệ pháp luật về rừng cũng là kiểm lâm nên trách nhiệm của lực lượng này rất nặng nề.
|
Đà Nẵng cần đánh giá trữ lượng và có giải pháp bảo vệ 10.000 hecta rừng giàu cuối cùng mà theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trần Văn Lương là lâm tặc chưa biết (?!). Trong ảnh: Kiểm lâm bắt gỗ lậu trên địa bàn huyện Hòa Vang. |
* Thưa ông, từ năm 2014, trên địa bàn Đà Nẵng liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng, nguyên nhân do đâu?
- Một trong những nguyên nhân mà mọi người thường đề cập là do lực lượng kiểm lâm của thành phố mỏng. Lực lượng kiểm lâm mỏng hay dày thì tôi cũng đã nói nhiều lần rồi. Giám đốc Sở NN&PTNT giao cho tôi 100 người thì tôi làm 100 người, bố trí cho tôi 50 người thì tôi phải làm 50 người.
Bây giờ, nó (các vụ phá rừng - PV) đổ bể ra thế này, Chi cục Kiểm lâm phải phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật. Hai vụ gần đây nhất là xâm hại rừng ở huyện Hòa Vang (tại tiểu khu 12, 13 và 20 xã Hòa Bắc) và ở núi Sơn Trà (tiểu khu 62 và 63).
Vụ khai thác gỗ trái phép ở xã Hòa Bắc, chúng tôi phối hợp với chính quyền huyện Hòa Vang xử lý theo quy định pháp luật. Tôi nói phối hợp với chính quyền huyện Hòa Vang bởi vì rừng có chủ, khi xảy ra xâm hại rừng thì chủ rừng và chính quyền địa phương, cụ thể là xã Hòa Bắc, phải có trách nhiệm liên quan, chứ không chỉ có kiểm lâm.
Vụ ở núi Sơn Trà mới đây cũng vậy. Rừng có chủ mà sao mỗi khi cháy rừng, phá rừng thì chỉ nói tới trách nhiệm của kiểm lâm. Để xảy ra xâm hại rừng, có cả trách nhiệm của chủ rừng (tổ chức, hộ dân được giao khoán đất rừng) và chính quyền địa phương nơi có rừng.
* Sau khi vụ phá rừng Bà Nà - Núi Chúa và các vụ phá rừng trong 6 tháng đầu năm 2015 được chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa VIII, Chi cục Kiểm lâm đã kiện toàn lại toàn bộ lực lượng như thế nào?
- Theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 21 vị trí theo phương châm hoán đổi những người không đủ năng lực, sức khỏe; bổ nhiệm những người bảo đảm tiêu chuẩn để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Trước đó, chúng tôi đã xử lý những cán bộ kiểm lâm có sai phạm liên quan đến các vụ phá rừng, trong đó khởi tố bị can đối với 3 cán bộ Ban quản lý rừng và 2 cán bộ kiểm lâm liên quan vụ phá rừng ở tiểu khu 31, 33, xã Hòa Bắc. Đặc thù của kiểm lâm ở Đà Nẵng là quản lý Nhà nước cũng là kiểm lâm, bảo vệ pháp luật về rừng cũng là kiểm lâm nên trách nhiệm rất nặng nề.
* Đối với rừng có chủ, nếu xảy ra xâm hại rừng, kiểm lâm có phải chịu trách nhiệm chính?
- Đương nhiên là có trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn. Còn tôi phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu vì để xảy ra xâm hại rừng. Riêng đối với vụ ở Sơn Trà thì 3 hộ dân đó được giao khoán, được Chủ tịch UBND phường cho phép và có văn bản.
Đối với vụ việc này, có nghi vấn kiểm lâm địa bàn bao che hay không, chúng tôi sẽ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với chỉ đạo xử lý vụ việc của Thường trực Thành ủy vào chiều 3-3, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện sau khi có văn bản thông báo của Văn phòng Thành ủy về kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc.
* Chi cục Kiểm lâm sẽ làm gì để tăng cường giải pháp quản lý, bảo vệ diện tích rừng còn lại?
- Đà Nẵng hiện còn 57.000 hecta rừng các loại và 30.000 hecta rừng đặc dụng. Sắp tới, Đảng ủy chi cục tiếp tục tham mưu với Sở NN&PTNT tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, trong đó chú trọng giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ cương cho cán bộ kiểm lâm địa bàn trong thực thi công vụ tại địa bàn, xã, phường, bảo đảm thực hiện tốt chức trách tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng thời, chi cục sẽ tiếp tục tổng rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân chủ rừng trong thực hiện các quy định về giao khoán bảo vệ, trồng và phát triển rừng trên địa bàn thành phố để lập phương án quản lý bảo vệ rừng cho toàn thành phố.
* Xin cảm ơn ông!
Phải có biện pháp bảo vệ 10.000 hecta rừng giàu cuối cùng
Theo ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, hiện nay còn khoảng 10.000 hecta rừng giàu (loại rừng có nhiều cây lớn với trữ lượng gỗ từ 200-300m³/hecta) thuộc rừng Bà Nà - Núi Chúa của Đà Nẵng ở giữa khu vực từ núi Bạch Mã của tỉnh Thừa Thiên - Huế đến địa phận tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho rằng, cần phải tổ chức kiểm kê, đánh giá trữ lượng, khoanh vùng và đề xuất với lãnh đạo thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện để bảo vệ diện tích rừng giàu cuối cùng này của thành phố.
|
Trách nhiệm bảo vệ rừng
Chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng của mình; xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của luật này, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chủ rừng không thực hiện các quy định này mà để mất rừng được Nhà nước giao, cho thuê thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong phạm vi địa phương mình; chỉ đạo các thôn, bản và đơn vị tương đương xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, huy động các lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và có kế hoạch trình UBND cấp trên đưa rừng vào sử dụng đối với những diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp, làm nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt; kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.
(Trích Điều 37, 38 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng)
|
Theo Báo Đà Nẵng