"Khó" lý giải nguồn tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng

Để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xã Tân Chi (Dự án), ngày 30/9/2020, UBND huyện Tiên Du đã ban hành các Quyết định thu hồi đất nông nghiệp đối với các hộ thôn Chi Trung, xã Tân Chi và giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hướng dẫn UBND xã Tân Chi thực hiện bồi thường, hỗ trợ.

Cùng ngày, cơ quan này cũng có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất với tổng kinh phí hơn 33,7 tỉ đồng cho hơn 98.000m2 đất (gồm: đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất do UBND xã quản lý…) và bồi thường hoa màu, hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề cho các hộ dân.

Theo Quyết định trên thì kinh phí bồi thường hơn 33,7 tỉ đồng sẽ do “chủ đầu tư chi trả”. Chính nội dung trên đã gây thắc mắc cho nhiều người dân địa phương, bởi UBND xã Tân Chi lấy đâu ra tiền để làm nhiệm vụ của chủ đầu tư Dự án. Từ đây, một số người dân đã có đơn đề nghị UBND xã Tân Chi, UBND huyện Tiên Du trả lời rõ về số tiền do UBND xã chi trả cho các hộ dân được lấy từ nguồn nào (từ ngân sách nhà nước hay tiền đi vay)? Nếu là tiền vay thì vay từ ai, có đúng quy định về đầu tư dự án xây dựng cũng như quy định về chi tiêu ngân sách hay không?

Không trả lời cụ thể nội dung kiến nghị trên, trong văn bản gửi đến người dân, UBND huyện Tiên Du chỉ trả lời chung chung rằng “số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đã được sử dụng minh bạch, công khai, rõ ràng. Số tiền này được UBND xã Tân Chi theo dõi trên hệ thống sổ sách công khai, minh bạch, rõ ràng và sẽ được UBND xã quyết toán theo quy định”.

leftcenterrightdel
 Khu đất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xã Tân Chi.

Tuy nhiên, với cách trả lời này của UBND Tân Chi xã khiến người dân càng thấy không minh bạch. Bởi hiện nay, trong dư luận và trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết, khi trả lời báo chí, lãnh đạo UBND xã Tân Chi khẳng định đã thu hồi được 81.000m2 đất, đền bù xong trong giai đoạn 1. Nguồn tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, được xã sử dụng từ nguồn ngân sách xã là 6,1 tỉ đồng. Số tiền này xã thu từ nguồn đất dân cư dịch vụ nhưng chưa sử dụng đến. Để giải quyết cho nguồn tiền giải phóng mặt bằng còn lại, UBND xã ra thông báo, người dân ai có vốn nhàn rỗi không sử dụng đến thì cho địa phương vay để thực hiện việc chi trả này. Sau khi xã ra thông báo, có người dân đã làm đơn tự nguyện cho xã vay. Xã đã ký biên bản vay tiền, cam kết khi nào thu được tiền từ việc đấu giá đất thì trả công dân.(?). Như vậy, xã phải vay trên 27 tỉ đồng để đủ chi trả bồi thường cho giai đoạn 1.

Ngoài ra, người dân cũng từng đặt nghi vấn về việc có 11 hộ dân đã được “ưu ái” trả tiền bồi thường cao hơn các hộ khác trong cùng dự án (142 triệu đồng/sào). Trả lời về phản ánh này, UBND huyện Tiên Du từng trả lời rằng, “không có cơ sở kết luận”. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tiếp tục đề nghị làm rõ vì việc nhận thêm tiền đã được một số người dân trong cuộc thừa nhận (thể hiện qua video clip đã cung cấp cho UBND huyện). Vì vậy, cần thiết thực hiện trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh minh bạch trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

UBND cấp xã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng có đúng luật?

Theo quy định tại Điều 68 Luật Đất đai: “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, bao gồm: Tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Còn Điều 31 Quyết định số 528/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh (quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thực hiện trình tự thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) quy định, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện; Tổ chức phát triển quỹ đất…

Theo các quy định trên thì UBND cấp xã không được thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng không hiểu sao, UBND huyện Tiên Du vẫn giao UBND xã Tân Chi làm chủ dự án và thực hiện bồi thường từ nguồn tiền “tự huy động”? Như vậy, UBND xã Tân Chi vừa là cơ quan xây dựng, trình duyệt phương án bồi thường, vừa là cơ quan chi trả tiền bồi thường, và lại vừa là cơ quan nhận tiền hỗ trợ (mức 70% đối với đất tạm giao; kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa…). Việc UBND xã Tân Chi có nhiều "vai" như vậy có đúng quy định pháp luật hay không?

Ngoài dấu hiệu áp dụng không đúng quy định như trên, người dân còn cho rằng, UBND huyện Tiên Du đã áp dụng không đúng quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc tính giá đất. Trong đó, UBND huyện Tiên Du căn cứ Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 và Điều 7 Quyết định này thì Bảng giá đất trên lại không cho phép được sử dụng trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, khi người dân đề nghị nhưng không được cung cấp hoặc công khai các văn bản liên quan đến dự án như: Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án sử dụng dưới 10ha trồng lúa; các văn bản liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng đất; Quyết định phê duyệt quy hoạch, báo cáo kinh tế kỹ thuật…; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ ghi đầy đủ thông tin về người có đất thu hồi, diện tích, loại đất…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều dự án được giao cho UBND cấp phường, xã, làm chủ đầu tư, tự tìm nguồn vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, cũng có nhiều sai phạm đang được cơ quan Công an khởi tố, điều tra. Để tránh các sai phạm tương tự, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để kiểm tra, rà soát dự án tại xã Tân Chi; kịp thời rút chấn chỉnh, khắc phục các sai sót (nếu có).

Thời gian này, VKSND tỉnh Bắc Ninh đang kiểm sát điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại thành phố Từ Sơn giai đoạn 2012-2015, trong đó, VKSND tỉnh Bắc Ninh phê chuẩn Quyết định khởi tố, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Quỹ, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn; Nguyễn Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh) cùng nhiều bị can nguyên là lãnh đạo UBND huyện Từ Sơn do có sai phạm khi thực hiện dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn tại phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn. Dự án này do UBND phường làm chủ đầu tư.

 

Hà Nhân