Kênh thủy lợi tồn tại nhiều bất cập

Tuyến kênh thủy lợi Đ3 được đầu tư hơn chục tỉ đồng (tại xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), bấy lâu nay không những không mang lại hiệu quả phục vụ sản xuất mà còn tồn tại nhiều bất cập. Người dân sống bên cạnh trên tuyến kênh này tỏ ra khá lo lắng về những nguy cơ mất an toàn đến tài sản, tính mạng do tình trạng sạt lở tại kênh Đ3.

leftcenterrightdel
 Kênh thủy lợi Đ3 bị sạt lở sau đó được Nhà nước chi thêm hơn 800 triệu đồng để gia cố sọt đá chống sạt lở. (Ảnh: Chụp năm 2021).

Ông Y Grik Mlô – Bí thư Chi bộ buôn Kla (xã Krông Búk) cho biết, kênh Đ3 chạy qua địa bàn 2 buôn và 1 thôn của xã Krông Búk. Tuy nhiên, sau khi công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng thì không phát huy được hiệu quả và không sử dụng được.

Theo Bí thư Chi bộ buôn Kla, tình trạng sạt lở trên tuyến kênh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. “Vào mỗi mùa mưa hàng năm, dọc tuyến kênh Đ3 thường bị sạt lở. Đáng nói, cơ quan chức năng đã tu sửa, gia cố các vị trí bị sạt lở trên tuyến kênh này nhưng sau một thời gian lại tiếp tục bị sạt lở trở lại. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất, nhà cửa của bà con nhân dân sống dọc hai bên bờ kênh” – ông Y Grik cho hay.

leftcenterrightdel
 Đến nay, dọc kênh thủy lợi Đ3 cây cối, cỏ dại mọc kín mít đã che khuất toàn bộ lòng kênh. (Ảnh: Chụp ngày 17/10).

Ông Y Grik cho biết, tại các cuộc họp thôn, buôn, tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đã nhiều lần ý kiến, đề nghị chính quyền địa phương sớm giải quyết những bất cập, tình trạng sạt lở tại tuyến kênh để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân. Thế nhưng, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Bà H’Uất Niê (trú tại buôn Kla) chia sẻ, nếu như tình trạng sạt lở kênh Đ3 không được xử lý kịp thời thì sẽ dẫn đến nguy cơ sạt lở nhà dân trong các mùa mưa lũ sắp tới. Hơn thế nữa, tuyến kênh được đào, múc quá sâu, rộng, nhiều vị trí sâu cả chục mét nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng của người dân sống bên cạnh trên tuyến kênh này.

Cánh đồng “khát nước” bên con kênh hơn chục tỉ đồng

Tại khu vực đoạn cuối kênh thủy lợi Đ3, ông Phạm Ngọc Khương (trú tại thôn 9, xã Krông Búk) nói: “Người dân rất bức xúc đối với những bất cập tại công trình này. Nhà nước đầu tư số tiền rất lớn để làm kênh nhưng người dân chỉ sử dụng được 3-4 tháng rồi tịt đến nay”.

leftcenterrightdel
  Rọ đá chống sạt lở bị tuột xuống và không phát huy được hiệu quả. (Ảnh: Người dân cung cấp).

Theo báo cáo số 11/BC-UBND ngày 19/2/2021, UBND xã Krông Búk, tuyến kênh Đ3 (thuộc công trình Hồ chứa nước Krông Búk hạ) hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015, đi qua địa bàn 2 buôn Kla và Krai A, phía cuối kênh là cánh đồng thôn 9.

Sau khi đưa vào sử dụng, chỉ có 2 đến 3 hộ dân buôn Kla, Krai A sử dụng tưới hoa màu và một số hộ dân thôn 9 tưới lúa, lúc này nước chảy về yếu không đủ phục vụ tưới.

leftcenterrightdel
 Một số công trình của người dân bên cạnh tuyến kênh Đ3 có nguy cơ sạt lở cao. (Ảnh: Chụp ngày 17/10).

Do đó, ngày 4/5/2015 xã đã có tờ trình đề nghị xây dựng cụm điều tiết nước tại đầu tuyến kênh Đ3 (thuộc dự án hồ chứa nước Krông Búk hạ). Sau khi được xây dựng cụm điều tiết nước, mùa vụ năm 2015 – 2016, nhân dân thôn 9 vẫn sử dụng nước tại kênh Đ3 để tưới cho hơn 17ha ở cuối cánh đồng thôn 9.

Tuy nhiên, do kênh sâu, đường xuống hố bơm nước tại kênh khó khăn, chỉ sử dụng máy bơm điện để hút nước nên từ năm 2016 các hộ dân buôn Kla, Krai A không sử dụng kênh Đ3 để tưới.

leftcenterrightdel
 Kênh Đ3 được thiết kế hình hộp nằm dưới nước thấp hơn mặt ruộng. (Ảnh: Chụp năm 2021). 

Cuối năm 2017, do ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều đoạn bị sạt lở gây tắc dòng chảy (vì là tuyến kênh hộp) nên chưa phát hiện ách tắc đoạn nào. Hiện nay, tuyến kênh này không phục vụ để tưới cà phê và lúa của nhân dân 2 buôn và thôn 9 xã Krông Búk.

Ngày 17/10/2023 theo ghi nhận của PV, sau nhiều năm bị bỏ hoang, đến nay, dọc kênh thủy lợi Đ3, cây cối, cỏ dại mọc kín mít đã che khuất toàn bộ lòng kênh. Một số vị trí bị sạt lở được cơ quan chức năng khắc phục sửa chữa, gia cố bằng rọ đá, mái bậc thang vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay một số ví trí rọ đá này cũng đã bị tuột xuống.

leftcenterrightdel
 Đến nay, tại khu vực cuối kênh Đ3 (cánh đồng thôn 9) đã bị bùn, đất che lấp hoàn toàn. (Ảnh: Chụp ngày 17/10).

Ông Nguyễn Tiến Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk xác nhận, thời gian qua người dân, các cử tri trên địa bàn đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị về những bất cập tại công trình kênh thủy lợi Đ3. Về phía xã đã có tờ trình báo cáo UBND huyện.

Đối với việc, gia cố sọt đá chống sạt lở… nhưng vẫn không hiệu quả, lãnh đạo UBND xã cho hay, do các năm trước lượng mưa quá lớn, lượng nước từ quốc lộ 26 đổ dồn về, làm cho một phần kè bị sụt lún.

Trước những thực trạng đó, UBND xã đã đề xuất cấp trên thuê tư vấn khảo sát, đánh giá và có hướng xử lý.

leftcenterrightdel
 Cánh đồng thôn 9, xã Krông Búk. (Ảnh: Chụp ngày 17/10).

Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin tuyế kênh Đ3 có chiều dài toàn tuyến 1,4km do UBND huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư, kinh phí sau nhiều lần điều chỉnh khoảng 14 tỉ đồng. Đến năm 2015, công trình kênh thủy lợi này được hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, tuyến kênh này hoạt động không hiệu quả như thiết kế ban đầu và bỏ hoang nhiều năm.

Sau đó, trên tuyến kênh Đ3 bị sạt lở một số vị trí nên năm 2020 Nhà nước phải chi thêm ngân sách 850 triệu đồng để gia cố sọt đá khắc phục chống sạt lở.

Đến tháng 2/2023, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan chức năng huyện Krông Pắk đã tiến hành kiểm tra công trình sửa chữa, gia cố tuyến kênh Đ3.

Thanh tra tỉnh cho biết, hạng mục gia cố mái bờ kênh Đ3 nêu trên bằng rọ đá xếp bậc thang kích thước rọ đá 2x1x0,5 m đã lún, sụt, trượt xuống đáy lòng kênh so với mặt đất tự nhiên 4,0m và không phát huy được hiệu quả chống sạt lở.

Vì vậy, Thanh tra tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, xác định nguyên nhân sụt, trượt mái bờ kênh./.

Nguyễn Chính