Kênh thủy lợi hoạt động không hiệu quả

Tuyến kênh thủy lợi Đ3 có vốn đầu tư hơn 14 tỉ đồng (tại xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Công trình này được khởi công vào ngày 11/9/2013, hoàn thành đưa vào phục vụ tưới ngày 30/12/2015 (theo hồ sơ biên bản bàn giao đưa vào sử dụng ngày 28/4/2017) và giao cho UBND xã Krông Búk quản lý, vận hành. Thế nhưng, sau đó kênh Đ3 này không phát huy hiệu quả dẫn đến bỏ hoang nhiều năm.

leftcenterrightdel
 Kênh thủy lợi Đ3 không phát huy hiệu quả lại gây ra sạt lở nên UBND huyện phải chi thêm hơn 800 triệu đồng để gia cố sọt đá chống sạt lở. (Ảnh: năm 2021). 

Qua các mùa mưa bảo, cuối năm 2017 tuyến kênh này bị sạt lở một số vị trí. Nên năm 2019, UBND huyện Krông Pắk có tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí để khắc phục sửa chữa, gia cố tuyến kênh Đ3 này, sau khi được bố trí kinh phí 850 triệu đồng, công trình tuyến kênh Đ3 được đầu tư sửa chữa thiết kế với kết cấu: Xếp rọ đá mái bậc thang. Đến cuối tháng 11/2020, công trình này đã xây dựng hoàn thành và bàn giao.

Đến ngày 13/2/2023, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan chức năng huyện Krông Pắk đã tiến hành kiểm tra công trình sửa chữa, gia cố tuyến kênh Đ3 nêu trên.

Qua kiểm tra hiện trường, Thanh tra tỉnh cho biết, hạng mục gia cố mái bờ kênh Đ3 nêu trên bằng rọ đá xếp bậc thang kích thước rọ đá 2x1x0,5 m đã lún, sụt, trượt xuống đáy lòng kênh so với mặt đất tự nhiên 4,0m và không phát huy được hiệu quả chống sạt lở.

leftcenterrightdel
Rọ đá mái bậc thang được gia cố trên tuyến kênh không phát huy được hiệu quả chống sạt lở. (Ảnh: năm 2021). 

Do đó, Thanh tra tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, xác định nguyên nhân sụt, trượt mái bờ kênh nói trên.

Tiếp tục đề xuất kinh phí…

Về việc tuyến kênh Đ3 đã được gia cố nhưng vẫn bị sụt, lún, UBND xã Krông Búk cho hay, do nguồn vốn có hạn nên mới chỉ gia cố phần mái kênh sạt lở, chưa có giải pháp công trình nắn dòng và gom nước từ khu vực dọc theo Quốc lộ 26 đổ về các vị trí sạt lở. Qua hai mùa mưa, đặc biệt năm 2022 mùa mưa kéo dài, lượng nước đổ về những vị trí xung yếu vừa gia cố làm cho các vị trí gia cố mái có hiện tượng sụt lún. Bên cạnh đó, do khi dòng chảy tập trung lâu ngày vào vị trí kè nhưng không có người xử lý vớt rác làm tắc ống thoát nước dẫn đến nước tràn lên thân kè làm cho thân kè bị sụt lún.

leftcenterrightdel
 Tuyến kênh Đ3 là tuyến kênh tạo nguồn tại điểm cuối được thiết kế hình hộp nằm dưới nước. 

Do đó, để đảm bảo kè chống trượt và sạt lở lâu dài, UBND xã Krông Búk cho rằng, cần có kinh phí đầu tư hệ thống mương bằng bê tông cốt thép kiên cố gom nước mặt các vị trí đổ về kênh để tránh trường hợp sạt lở mở rộng những vị trí đã kè rọ đá và các đoạn tiếp theo.

Ngày 13/10 trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Krông Búk cho biết, hiện nay tuyến kênh Đ3 không còn hoạt động, không phát huy được hiệu quả như ban đầu thiết kế nên rất lãng phí, công trình chống sạt lở bằng rọ đá đã bị tuột xuống, một số đoạn trên tuyến kênh có nguy cơ sạt lở cao.

Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng mong muốn và đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền khảo sát đánh giá đưa ra một phương án xử lý phù hợp để phòng tránh sạt lở ảnh hưởng đến tài sản, nguy hiểm tính mạng cho người dân sống gần trên tuyến kênh này.

leftcenterrightdel
Điểm cuối kênh Đ3 tại cánh đồng thôn 9 xã Krông Búk người dân muốn lấy nước vào ruộng thì phải dùng máy bơm. 

Trước đó, vào năm 2021, báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều tin bài phản ánh về tuyến kênh Đ3 này.

Theo đó, kênh Đ3 có chiều dài toàn tuyến 1,4km do UBND huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư, kinh phí sau nhiều lần điều chỉnh gần 14,9 tỉ đồng. Đến năm 2015, công trình kênh thủy lợi này được hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, tuyến kênh này hoạt động không hiệu quả như thiết kế ban đầu và bỏ hoang nhiều năm

Người dân phản ánh, tại điểm cuối tuyến kênh Đ3 - cánh đồng thôn 9 xã Krông Búk, mặt kênh dẫn nước thấp hơn mặt ruộng. Vậy nên, người dân không thể lấy nước vào ruộng.

Chưa hết, kênh Đ3 này còn bị sạt lở một số vị trí ảnh hưởng đến tài sản, nguy hiểm tính mạng người dân. Vậy nên, Nhà nước phải chi thêm ngân sách 850 triệu đồng để gia cố sọt đá chống sạt lở…/.

Nguyễn Chính