(BVPL) - Chỉ tính riêng năm 2014 cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế trong nước quan tâm nhiều nhất là việc sử dụng dòng tiền thiếu minh bạch giữa các doanh nghiệp, dẫn đến thực trạng “cá lớn nuốt cá bé”, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cực chẳng đã đành phải “đáo tụng đình”.
 
Nhà máy thuỷ điện Đăkpsi 5 có công suất 8MW tại xã Đăk Hà, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum đã vận hành và hoà vào lưới điện quốc gia từ cuối năm 2012 . Nhưng từ trước đó cho đến nay, có quá nhiều lùm xùm xung quanh sai phạm của chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (sau đây gọi là Đức Thành, có trụ sở tại số 302 Đường Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku) khi tự ý thay đổi thiết kế chi tiết, không tuân thủ quy trình quản lý chất lượng bê tông thân đập, nhà máy… dẫn đến nguy cơ mất an toàn hồ đập đối với tài sản và con người ở vùng hạ du. Trách nhiệm và đạo đức của Đức Thành cũng được đưa ra đàm luận khi có cách hành xử không giống ai trong việc bồi thường giải tỏa, tái canh định cư cho  hàng trăm hộ dân nghèo… Vậy với các đối tác, nhà thầu chính, nhà thầu phụ trực tiếp thi công các hạng mục công trình của Đức Thành thì “ông chủ bự” này “đối xử” như thế nào?. Có thể nói, việc Công ty Cổ phần cơ khí - Xây dựng Tháp Kim (sau đây gọi là Tháp Kim, có trụ sở tại 200/1/54 đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP. HCM) “cực chẳng đã” đã phải nộp đơn khởi kiện tại TAND TP. Pleiku, Tỉnh Gia Lai với yêu cầu buộc Đức Thành phải thanh toán số tiền chiếm dụng cả gốc và lãi là hơn 3 tỷ đồng đã phần nào trả lời câu hỏi trên. 
 
Một góc hình ảnh của nhà máy thuỷ điện Đăk Psi 5.
Một góc hình ảnh của nhà máy thuỷ điện Đăk Psi 5.
 
Sự việc bắt đầu từ năm 2010, khi Đức Thành chọn Tháp Kim là nhà thầu chính thi công các hạng mục cơ khí thủy công - đường ống áp lực, cửa van, máy đóng mở… của dự án  này. Trong giai đoạn đầu thì chủ đầu tư và nhà thầu “đã có quan hệ tốt đẹp”, nhưng khi hợp đồng đi vào giai đoạn hoàn thành thì chủ đầu bắt đầu giở những chiêu trò gây áp lực với các nhà thầu này hòng “trốn” không thanh toán tiền thi công. Đầu năm 2012, khi đã cung cấp và lắp đặt xong các thiết bị, Tháp Kim đề nghị Đức Thành thanh toán giai đoạn giá trị thực hiện mà hai bên đã thỏa thuận ký trong các hợp đồng kinh tế, đồng thời yêu cầu Đức Thành tiến hành nghiệm thu để Tháp Kim bàn giao các hạng mục đã hoàn thành đưa vào sử dụng và quyết toán hợp đồng. Đại diện Tháp Kim cho biết, Đức Thành không những không thực hiện mà còn “đẻ” ra nhiều lý do nhằm mục đích gây áp lực để cắt giảm khối lượng, giảm giá trị thanh toán. Trong khi hợp đồng thi công giữa Đức Thành và Tháp Kim đang còn hiệu lực, công trình chưa được tổng bàn giao và quyết toán thì Đức Thành dùng luật rừng, tự ý thuê một đội thi công khác vào công trường cân chỉnh lại các thiết bị (các thiết bị này đã được cán bộ kỹ thuật của cả 2 công ty nghiệm thu trước đó) sau đó viện cớ rằng thiết bị của Tháp Kim thi công không đạt chất lượng, nên buộc Tháp Kim phải bồi thường thiệt hại cho Đức Thành số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng (theo đơn phản tố gửi lên tòa án TP Pleiku tháng 3 năm 2014). Đáng chú ý nhà máy thủy điện Đăkpsi 5 đã chính thức đưa vào khai thác vận hành ổn định từ tháng 12/2012 nhưng mãi đến tháng 5/2013, Đức Thành mới gửi văn bản cho Tháp Kim kết luận rằng các thiết bị do Tháp Kim cung cấp sử dụng không đạt yêu cầu. Theo Tháp Kim, đây là hành vi “cá lớn nuốt cá bé”, vu khống doanh nghiệp.
 
 “Với cách hành xử của Chủ đầu tư, chúng tôi vô cùng bức xúc và cho rằng, hành vi của Đức Thành cấm công nhân của Tháp Kim vào khu vực công trường khi thiết bị chưa bàn giao, đồng thời ngang nhiên thu giữ toàn bộ tài sản của Tháp Kim trên công trường là vi phạm pháp luật. Hành vi này của Đức Thành có thể bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản hoặc cướp tài sản” - đại diện Tháp Kim nói. Vị đại diện này còn cho biết thêm, cũng với kịch bản “ức hiếp” nhà thầu, năm 2009, Đức Thành đã áp dụng với công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu (Quảng Bình) là thu giữ hơn 20 tấn thép tấm, trạm trộn, xe trộn bê tông trên công trường. 
 
Đến giờ phút này, sau hơn 4 năm việc tranh chấp giữa Tháp Kim và Đức Thành vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thời gian phân xử có thể còn kéo dài, Nhưng Tháp Kim vẫn kiên định với yêu cầu của mình và tin tưởng vào sự công minh của luật pháp. Tuy nhiên một thực tế khá đau lòng là niềm tin vào Chủ đầu tư có “tiếng tăm lừng lẫy” như Đức Thành đã hoàn toàn sụp đổ trong lòng của Tháp Kim, cũng như nhiều nhà thầu khác đã từng tham gia thi công công trình này như: Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu (Quảng bình), Công ty TNHH Tân An (Hà nội)… và các đội xây dựng nhỏ lẻ khác (bằng hình thức thuê nhân công).
 
Nhóm PVMN
 
Mời các bạn đón đọc kỳ 2: Năng lực thực của “ông chủ” đầu tư bằng nguồn vốn BOT!
 
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang bước vào hội nhập, việc nên làm là các doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ để cùng tồn tại và phát triển tạo nên một hệ thống doanh nghiệp Việt đoàn kết và đầy nội lực có thể cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp ngoại. Nhưng thực tế hiện nay, chính các doanh nghiệp trong nước đang tự xâu xé, chiếm đoạt nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó “cầm cự để tồn tại” chứ đừng nói đến phát triển. Nếu như Chính phủ không kịp thời ra tay ngăn chặn thì đây là một nguy cơ tiềm ẩn khiến nền kinh tế Việt nam mãi mãi khó có thể đi lên – Một chuyên gia kinh tế nhận định.