(BVPL) - Gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tình trạng vay mượn tài sản rồi chiếm đoạt bằng hình thức tuyên bố vỡ nợ diễn ra tràn lan. Thủ đoạn gian dối của kẻ vay tiền là lấy lý do vay tài sản để kinh doanh hay đáo nợ ngân hàng. Thế nhưng, sau khi nhận được tài sản thì lập tức tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán. Điều đáng nói là sau khi tuyên bố vỡ nợ, các đối tượng này lại tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối để thuyết phục người bị hại ký vào văn bản cho trả nợ dần. Và xem đây là quan hệ dân sự để “qua mặt” các cơ quan bảo vệ pháp luật.
 
Vay hàng chục tỷ đồng rồi đột nhiên vỡ nợ
 
Tháng 9/2009, thông qua mối quan hệ quen biết, ông Chu Văn Lai và bà Võ Thị Kim Chung (cùng ngụ tại TP. Pleiku, Gia Lai) đã đặt vấn đề vay tiền của bà Trần Thị Xê (ngụ tại 450 Lê Duẩn, TP. Pleiku) để đáo nợ ngân hàng và mua bán hàng nông sản. Do tin tưởng ông Lai là cán bộ ngân hàng, đang công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Chi nhánh Chư Á , TP.Pleiku,  nên bà Xê đã huy động tiền của hàng chục hộ dân ở Gia Lai để cho ông Lai, bà Xê  vay lại. 
 
Từ cuối tháng 10/2009, bà Xê đã cho bà Chung và ông Lai vay mượn tiền nhiều lần với tổng số tiền là 52.256.000.000 đồng. Đến ngày 02/11/2010, bà Chung và ông Lai đột nhiên tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán. Đồng thời, hai người này đều ra sức thuyết phục bà  Xê xin được trả nợ dần, với lý do toàn bộ số tiền vay của bà Xê, bà Chung đang đầu tư vào mua bán hàng nông sản nên chưa thể thu hồi về để trả ngay một lần được. Do tin lời bà Chung đang dùng tiền vay của mình cho công việc kinh doanh, vì thế bà Xê đồng ý cho các người này trả nợ dần hàng tháng. Thế nhưng, sau khi lập giấy cam kết trả nợ dần, ông Lai không trả cho bà Xê đồng nào, còn bà Chung thì trả được 02 tháng, sau đó cũng không tiếp tục thực hiện việc trả nợ như đã cam kết. Bằng chiêu thức gian dối như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 10/2010, bà Chung còn vay của bà Hồ Thị Bích Ngọc ngụ tại 283/28 Trần Phú, TP.Pleiku số tiền 6.119.000.000 đồng; vay của bà Võ Trần Thu Hạnh trú tại 699 Lê Duẫn, TP.Pleiku số tiền 9.465.000.000 đồng. Sau đó, bà Chung cũng tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán đối với các khoản vay này. Riêng ông Lai, ngoài việc cùng bà Chung vay tiền của bà Xê. Ông Lai  còn vay của nhiều người như vay của bà Nguyễn Thị Hoa ngụ tại 703 Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku số tiền 12.600.000.000 đồng; vay của Võ Trần Thu Hạnh số tiền 2.500.000.000 đồng cũng với lý do dùng để đáo nợ ngân hàng. Nhưng chỉ sau 10 ngày, kể từ thời điểm nhận tiền, ông Lai đã tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán.
 
Không khởi tố hình sự vì có cam kết trả nợ dần…
 
Tại Cơ quan Điều tra, các bà Chung, ông Lai thừa nhận việc vay tiền của nhiều người, với tổng số tiền vay lên đến gần trăm tỷ đồng, nhưng nại lý do, toàn bộ số tiền vay bà Chung đã dùng vào việc mua bán hàng nông sản nên hiện tại không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết bà Chung không sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh và cũng không bị ai chiếm dụng. Doanh nghiệp Tư nhân Minh Chung do bà Chung làm giám đốc hoàn toàn không có bất kỳ một hoạt động kinh doanh, mua bán gì kể từ ngày thành lập đến nay.
 
Kết quả điều tra ban đầu là thế, nhưng Cơ quan cảnh sát Điều tra (CQĐT) – Công an tỉnh Gia Lai vẫn không khởi tố vụ án vì cho rằng, việc vay mượn tiền giữa các bên diễn tra trong một thời gian dài, sau khi tuyên bố vỡ nợ các bên đã lập giấy cam kết trả nợ dần nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà đó chỉ là quan hệ dân sự !? Bức xúc trước kết luận nêu trên, bà Võ Trần Thu Hạnh đặt vấn đề: “Nếu CQĐT cho rằng, vì có giấy cam kết trả nợ dần nên không phạm tội, vậy ông Lai vay của tôi 2.500.000.000 đồng; vay của bà Nguyễn Thị Hoa 12.600.000.000 đồng, cả hai trường hợp này đều không có giấy cam kết trả nợ, nhưng tại sao CQĐT vẫn cho rằng, đó là quan hệ dân sự và không khởi tố vụ án”. Bà Xê cũng tỏ ấm ức: “Nếu cơ quan chức năng nhận định không có yếu tố chiếm đoạt thì thử hỏi số tiền gần một trăm tỷ đồng hiện nay ở đâu? bà Chung và ông Lai đã sử dụng vào mục đích gì?”.
 
Liệu có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
 
Một Thẩm phán Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: “Khi vay tiền của nhiều người các đối tượng trên lấy lý do là dùng để kinh doanh, đáo nợ ngân hàng, nhưng thực tế lại không sử dụng vào việc gì. Sau đó, lại tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán để từ chối việc trả nợ. Hành vi này đã thể hiện rõ ý thức chiếm đoạt tài sản. Việc CQĐT không khởi tố vụ án là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”. 
 
Liên quan đến việc CQĐT- Công an tỉnh Gia Lai không khởi tố vụ án, được biết bà Trần Thị Xê đã có đơn khiếu nại gửi đến Bộ Công an và Trưởng ban Nội chính tỉnh Gia Lai, đề nghị xem xét lại nội dung vụ việc. Việc CQĐT – Công an tỉnh Gia Lai không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này, một mặt là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, mặt khác sẽ tạo nên một tiền lệ hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Nhất là đối với các loại tội phạm có tính chất chiếm đoạt đang diễn ra ngày càng phức tạp và phổ biến như hiện nay. Báo Bảo vệ Pháp luật sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh thông tin sự việc đến bạn đọc.
 
Lê Trang - Minh Triết
 
 Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào việc có giấy cam kết trả nợ dần để kết luận đó là quan hệ dân sự thì cơ quan tố tụng chưa đánh giá đúng bản chất sự việc. Ở đây cần phân biệt rõ, nếu thực tế bên vay đang sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh thì việc họ chưa có khả năng trả nợ dứt điểm một lần là hoàn toàn hợp lý. Do vậy, cam kết trả nợ dần trong trường hợp này, đúng là quan hệ dân sự. Trái lại, nếu bên vay không dùng tiền vay vào bất cứ mục đích gì và cũng không bị ai chiếm dụng, nhưng lại lấy lý do số tiền vay đang đầu tư vào kinh doanh để bên cho vay đồng ý cho trả nợ dần, rồi sau đó không trả thì đây chính là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Để làm rõ vấn đề này, Luật sư Dũng nêu ví dụ.
 
A vay B một tỷ đồng. Sau khi nhận được tài sản, A nảy sinh ý thức chiếm đoạt nên nói dối B là trên đường mang tiền vay về nhà, A đã bị cướp giật mất toàn bộ số tiền trên. Đồng thời A thừa nhận trách nhiệm trả nợ nhưng xin được trả dần hàng tháng. B tin lời nên đồng ý cho A trả nợ dần. Sau khi trả nợ được hai tháng, A không trả nữa nên B làm đơn tố cáo A tại CQĐT. Kết quả điều tra xác định, không có việc A bị cướp giật mà đó chỉ là thủ đoạn gian dối để B đồng ý cho trả nợ dần, nhưng sau khi trả nợ được hai tháng. A không trả nữa mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền còn lại. Rõ ràng trong trường hợp này, cơ quan tố tụng không thể lấy lý do vì có “giấy cam kết trả nợ dần” nên chỉ là quan hệ dân sự để không khởi tố vụ án đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của A. Luật sư Dũng nói.
 
Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn luật sư TP.HCM: “Việc CQĐT – Công an tỉnh Gia Lai không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này, một mặt là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, mặt khác sẽ tạo nên một tiền lệ hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Nhất là đối với các loại tội phạm có tính chất chiếm đoạt đang diễn ra ngày càng phức tạp và phổ biến như hiện nay”.