San hô suy giảm nghiêm trọng!

Gần đây trên mạng xã hội chia sẻ thông tin, hình ảnh về tình trạng san hô xơ xác, tan hoang trong khu vùng lõi khu bảo tồn biển thuộc vịnh Nha Trang.

Tài khoản facebook Nguyen Son viết: “…Hơn một năm rưỡi mình quay lại lặn ở Hòn Mun kể từ tháng 10/2020. Những tưởng phải nhìn thấy biển hồi sinh và đẹp, phong phú hơn trước dịch nhiều lần. Nhưng không! Dưới đáy biển giờ tan hoang: không còn nhưng đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quì và tất nhiên không còn nhiều sv biển. Đến những chú cá hề bình thường làm tổ ở những bụi hải quỳ khắp nơi thì 3 ngày lặn (6 dives) chỉ ở 3 bãi Madonna rock, Mama Hạnh và Moray beach trước mặt Hòn Mun, tìm đỏ mắt không ra. Đáy biểm đen ngòm, xơ xác”.

leftcenterrightdel
 Tình trạng san hô tại một vị trí ở Hòn Mun, vịnh Nha Trang được đăng tải kèm bài viết trên facebook của tài khoản Nguyen Son.

Trong một đoạn khác, tài khoản Nguyen Son viết: “Mình không hiểu, BQL khu bảo tồn biển Hòn Mun làm gì để giờ biển xơ xác đến vậy?

Không phải tự nhiên dân đi tàu ở Nha Trang có những lời đồn đại về chuyện "bán bãi" cho tàu cá vào khu bảo tồn đánh bắt từ rất lâu rồi.

leftcenterrightdel
 Đáy biển xơ xác. Ảnh kèm bài viết trên facebook của tài khoản Nguyen Son.

Có những lời đồn đại về chuyện đánh bắt tuyệt diệt kiểu như lặn xuống bơm cyanua vào hang cá, hang tôm để chúng nổi lờ đờ rồi vớt hết. Địa điểm hang tôm ở Moray beach bình thường có hàng ngàn con tôm sọc (camel shrirm) thì giờ không còn 1 con nào.

Không hiểu vài tháng nữa, du khách nước ngoài quay lại Nha Trang nhiều, họ bỏ tiền ra đi tour biển, đi snorkerling, đi lặn biển họ sẽ thấy gì? Nghĩ gì? Sẽ nói gì về biển Nha Trang?”.

leftcenterrightdel
 Cầu gai, một địch hại ăn san hô. Ảnh kèm bài viết trên facebook của tài khoản Nguyen Son.

Trước thông tin trên, tài khoản PCQ, một người được nói là dân Nha Trang, cho rằng, khách có thể đã đi lặn trúng ngày trời âm u, nước biển đục, hoặc chưa lặn đúng vị trí, nên đánh giá Hòn Mun xơ xác... Trong khi hiện trạng vị trí được tài khoản Nguyen Son đề cập vốn dĩ như vậy cả chục năm rồi, không phải năm ngoái đẹp năm nay xơ xác.

BQL vịnh Nha Trang nói gì?

Trao đổi với phóng viên BVPL, lãnh đạo BQL vịnh Nha Trang xác nhận, tình trạng san hô suy giảm nghiêm trọng như phản ánh là có, do nhiều yếu yếu tố tác động, như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại, môi trường nước và yếu tố con người,...

leftcenterrightdel
 Đáy biển trụi lủi. Ảnh Kha Mai đăng kèm bài viết trên facebook của tài khoản Nguyen Son.

Tác động rõ nhất trong thời gian qua, theo BQL vịnh Nha Trang, là các cơn bão tháng 12/2017 và tháng 12/2021.

“Sức tàn phá của hai cơn bão này đối với rạn san hô ven bờ ở hầu hết các đảo rất nặng, bị sóng dập tan tác, tàn phá gần như hoàn toàn. Nhiều tảng san hô nặng đến 70kg bị sóng đánh bay lên bờ.”, nguồn tin cho biết.

leftcenterrightdel
 Một vị trí trong vịnh Nha Trang không còn san hô. Ảnh Kha Mai đăng kèm bài viết trên facebook của tài khoản Nguyen Son.

Ngoài khu vực ven bờ, san hô ở khu vực tương đối có độ sâu cùng bị thiệt hại, nhất là san hô sừng nai, nhưng không nghiêm trọng.

Trong báo cáo số 256 /BC-VNT, ngày 8/6 gửi UBND TP Nha Trang, BQL Vịnh Nha Trang đưa ra các thông tin khảo sát trước đó cũng như viện dẫn một số kết quả nghiên cứu từ Viện Hải Dương học Nha Trang, cho biết: “Một số khu vực có rạn san hô phong phú và đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông bắc Hòn Tre hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề đến 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey tháng 11/2017 (Hòn Tằm độ phủ san hô cứng suy giảm đột ngột từ 56,8% tháng 7/2017 xuống còn 12,5% vào tháng 12).

leftcenterrightdel
 San hô bị các cơn bão gần đây tàn phá và đánh tấp lên bờ. Nguồn: BQL Vịnh Nha Trang.

Năm 2019 san hô bị tẩy trắng một số khu vực trên vịnh do nhiệt độ nước biển tăng. Qua ba năm đã có dấu hiệu hồi trở lại tuy nhiên, đến cuối năm 2021 khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2021 làm gãy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô”.

leftcenterrightdel
 San hô được cho bị bão tác động. Nguồn: BQL Vịnh Nha Trang.

Cũng theo báo cáo này, trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng ở vịnh Nha Trang lên đến 39,5%.

Đối với nhận định việc “bán bãi” và “đánh bắt tuyệt diệt”, BQL Vịnh Nha Trang cho biết, cơ quan này luôn cương quyết xử lí triệt để tất cả các hành vi không được phép thực hiện trong Khu bảo tồn biển; tuyệt đối không có chủ trương bao che, nể nang; bất cứ cá nhân, tập thể nào khi sai phạm đều phải xử lí theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh san hô và sinh vật biển ở Hòn Mun được một dịch vụ lặn biển chia sẻ gần đây. Nguồn: TNT.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Đội tuần tra đã ngăn chặn và lập biên bản xử lí các hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép trong khu bảo tồn Vịnh Nha Trang, kết quả: đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép trong đó 38 trường hợp câu dắt mực, 7 lặn đêm,...

Với những thông tin viện dẫn, BQL Vịnh Nha Trang cho rằng, việc nói rạn san hô tại Hòn Mun suy giảm nghiêm trọng do nguyên nhân duy nhất từ phía các cơ quan làm công tác bảo tồn biển là… nhận định phiến diện.

leftcenterrightdel
 Nhưng rạn san hô ở khu vực xa bờ, nước sâu hơn, ít bị tác động bởi các cơn bão. Nguồn: TNT.

Trước đó, tại báo cáo số 15/VNT, ngày 13/1, về hiện trạng rạn san hô tại vùng nước quanh đảo Hòn Mun sau bão số 9 năm 2021, BQL Vịnh Nha Trang, cho biết, qua khảo sát 4 điểm rạn trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở Hòn Mun, xác định, san hô nhánh và san hô khối nằm cách mặt nước 1-3m bị gãy đổ nhiều và bị sóng đánh đưa lên bờ. Tỉ lệ san hô che phủ khá thấp, trong đó ngoài khu vực Đông Bắc đạt cao nhất là 41,6%, ba điểm khác chỉ ở mức 24,6%, 14,5% và 7,8%.

Theo lãnh đạo BQL Vịnh Nha Trang, tại một số khu vực như Hòn Chồng (Vĩnh Hòa, Nha Trang), san hô phục hồi rất tốt.

leftcenterrightdel
 Trên vịnh Nha Trang vẫn có những khu vực san hô phục hồi tốt. Nguồn: TNT.

Trao đổi với báo chí,  TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, việc suy giảm rạn san hô trong vịnh Nha Trang có nhiều nguyên nhân, do ô nhiễm môi trường, bùng nổ sinh vật ăn san hô (sao biển gai), hiện tượng phú dưỡng cục bộ, hiện tượng tẩy trắng san hô và các tai biến thiên nhiên (mưa, bão),...

Tuy vậy, việc san hô bị tác động lớn nhất là do quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo. Việc này không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn phát tán trầm tích ra môi trường nước biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết.

V.H