Chuyện mới mà... không mới

Ba dự án “dính” sai phạm lấn biển trái phép trên vịnh Nha Trang, được báo chí phản ánh gần đây là: Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao (Công ty Cổ phần Nha Trang Sao); Dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa (Công ty TNHH Sinh thái Hòn Rùa); Dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa (Công ty CP Du lịch Champarama).

leftcenterrightdel
Hòn Rùa trên vịnh Nha Trang bị tác động trái phép. 

Các dự án này đều lấn biển với quy mô vào loại lớn, với đơn vị được tính bằng héc ta, trong đó, dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao lấn biển trái phép đến hơn 2,3ha, diện tích đủ làm biến dạng vịnh Nha Trang.

Vấn đề ở chỗ, các dự án này nằm trong phạm vi vịnh Nha Trang, danh thắng quốc gia. Có dự án nằm sát Hòn Chồng Hòn Đỏ, khu vực danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia (năm 1998).

Trên thực tế, lấp, lấn biển trái phép không phải chuyện mới. Từ cả chục năm trước, trong khu vực biển Nha Trang, nhiều dự án được xác định lấn biển trái phép, trong đó dự án Khu du lịch và Giải trí Sông Lô - Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang (nay là   Diamond Bay Nha Trang) đã tự ý san lấp, lấn biển đến gần 8,2 ha,.. Riêng dự án Khu nghỉ dưỡng Rusalka (tên gọi cũ của Dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa), trong giai đoạn 2001 – 2003 đã lấn biển trái phép với diện tích hơn 2 ha.

Tại phiên họp ngày 27/3, nội dung chính trong nghị trình của HĐND tỉnh Khánh Hòa, cũng là vấn đề được các đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm, là vấn đề lấn biển trái phép. Nhiều đại biểu tỏ rõ sự bức xúc, bất bình trước thực trạng lấn biển trái phép kéo dài nhưng không được chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, xử lý kịp thời.

Nhiều vấn đề “nóng” khác tại địa phương cũng đã được đặt lên bàn nghị sự, gồm: Vấn nạn khai thác khoáng sản, khai thác cát trái phép; tình trạng lộn xộn trong việc đặt ghế, dù trên bãi biển Nha Trang, thực trạng hướng dẫn viên du lịch “chui”,...

Buông lỏng quản lý

Liên quan đến các dự án lấn biển trái phép, đại biểu Đoàn Minh Long thẳng thắn cho rằng, các cơ quan chức năng không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, trong đó có trách nhiệm cá nhân của Giám đốc Sở; bởi rằng, tình trạng lấn biển trái phép thực tế diễn ra trong thời gian dài.

Ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, có bất cập trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án; đặc biệt, liên quan đến biển, dễ tác động xấu đến môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, nhìn nhận: Để xảy ra sai phạm tại các dự án lấn biển, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Ông Vinh cho biết, với những vi phạm của một số dự án thời gian qua, tỉnh đã có chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, cá nhân liên quan. Mặt khác, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn có những điều chỉnh trong thực thi chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Không chỉ buông lỏng quản lý trong khâu kiểm tra, giám sát quá trình nhà đầu tư triển khai dự án, các cơ quan chức năng cũng thiếu giám sát việc nhà đầu tư khắc phục sai phạm.

Ông Phan Thông- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa bất bình trước việc khắc phục nguyên trạng tại các dự án bị phát hiện lấn biển trái phép rất chậm trễ và có dấu hiệu đối phó. Ông Thông đặt câu hỏi: “Tỉnh yêu cầu khắc phục xong trước ngày 6/11/2017 nhưng đến nay vì sao vẫn chưa khắc phục, chưa thu hồi giấy phép dự án? Đến khi nào mới khắc phục xong?”.

Giám đốc Sở TN&MT Võ Tấn Thái xác định, có vấn đề trong khâu kiểm tra, giám sát; và, Sở TN&MT đã kiểm điểm ba cá nhân và một tập thể. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, có những bất cập về cơ chế, từ chỗ thiếu cán bộ nghiệp vụ và những hạn chế trong hoạt động kiểm tra.

“Thứ nhất là, do không có người. Thứ hai là, cơ chế kiểm tra, kiểm soát, làm việc đối với các doanh nghiệp hiện nay bị giới hạn rất nhiều vấn đề. Một hành vi vi phạm của doanh nghiệp không thể một ngành làm được mà phải nhiều sở, nhiều ngành” - ông Thái nói.

Nguyễn Huân