(BVPL) - Đó là ý kiến của Nhà báo Bùi Bá Thanh - báo Bảo vệ pháp luật tại Hội thảo khoa học “Quyền con người và báo chí” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Khoa Luật - Trường Đại học Vinh vừa được tổ chức. Đây là một nội dung trong dự án “Nghiên cứu và giáo dục quyền con người” thuộc Chương trình “Quản trị công và cải cách hành chính giai đoạn 2012 - 2015” theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch.
 


Tại Hội thảo, nhà báo Bùi Bá Thanh - Phóng viên thường trú báo Bảo vệ pháp luật tại Hà Tĩnh có tham luận, với chủ đề “Tự do báo chí và quyền được thông tin của người dân” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người tham dự Hội thảo.

Theo đó, tham luận nhấn mạnh đến thực tiễn từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển báo chí, cùng với chính sách kinh tế đổi mới trong 20 năm qua, nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng ở mức cao nên báo chí cũng có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng. Vai trò của báo chí được khẳng định, và thể hiện tầm quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người mà cụ thể ở đây là đảm bảo nhu cầu thông tin cơ bản của người dân. Thống kê cho thấy, gần 80% các quy định mới của pháp luật đến với công chúng thông qua báo chí. Báo chí thông tin về chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật trên mọi mặt đời sống. Tuy nhiên, do có sự chênh lệch về kinh tế giữa thành thị và nông thôn, miền núi nên báo chí chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, khu đô thị, còn số báo chí về đến vùng sâu vùng xa chưa nhiều, do đó sự thiếu hụt thông tin chính thống ở khu vực này mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng trống lớn, dẫn đến một số cá nhân, cơ quan công quyền ở đây lợi dụng, làm sai, khiến người dân bị thua thiệt.

Dẫn chứng cụ thể, Nhà báo Bùi Bá Thanh nêu vụ việc liên quan đến Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh, do báo Bảo vệ pháp luật điều tra, phanh phui sự thật là một số cán bộ có quyền ở đây đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những nông dân ở một số huyện như: Đức Thọ, Cẩm Xuyên… để lập hồ sơ khống, bớt tiền, rút tiền dự án tài trợ của tổ chức Oxfam Bỉ hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh phát triển rau sạch. Sau 2 năm với nhiều hình thức, thủ đoạn Hội nông dân Hà Tĩnh đã rút của dân gần 1,5 tỷ đồng. Kết quả là bà Nguyễn Thị Tuyết Anh- Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội nông dân buộc phải thôi việc và nhiều cán bộ trong Hội bị kỷ luật.

Hay việc công khai thông tin, tuyên truyền đúng đắn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như quyền và nghĩa vụ của người dân, đem lại hiệu quả bất ngờ trong việc triển khai giải phóng nhanh chóng 20.000ha đất thi công tại đại công trường Vũng Áng – Hà Tĩnh. Theo nhà báo Bá Thanh: “Khi báo chí được định hướng tốt, được quan tâm và được cung cấp thông tin một cách chính thống, đã hỗ trợ được một cách đắc lực cho chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương. Với người người dân, chỉ khi họ thực sự nhận thức được quyền lợi của mình được đảm bảo, vai trò được tôn trọng họ mới làm theo”.

Bên cạnh đó, nhà báo Bùi Bá Thanh cũng nêu ra những bất cập, sự thiếu thống nhất giữa các luật dẫn đến khó thực thi đồng bộ trong hoạt động báo chí cũng như cung cấp thông tin. Chẳng hạn Luật Phòng chống tham nhũng đề cập việc phải công khai thông tin, nhưng Luật Thanh tra và một số quy định liên quan lại có những quy định hạn chế điều này (QĐ số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007). Từ đó dẫn đến thực trạng các ngành, cấp, địa phương dựa vào những chồng chéo này để tạo ra những rào cản với báo chí. Họ chỉ thực sự cung cấp thông tin khi “có lợi”, những điều họ được yêu cầu công khai nhưng họ công khai không minh bạch, thậm chí họ từ chối cung cấp thông tin mặc dù đã có quy định của Chính phủ phạt nếu không cung cấp thông tin cho báo chí, ai là người sẽ phạt nếu như chính quyền sở tại muốn giấu thông tin? Thêm vào đó, để hạn chế, họ tạo ra sự chậm trễ trong việc phản ánh ý kiến dư luận và có hành vi cản trở tác nghiệp báo chí như: né tránh cung cấp thông tin; gây khó dễ, sai hẹn; mua chuộc; gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp (qua cấp trên, người quen); thu giữ phương tiện tác nghiệp; phá hoại, tiêu huỷ phương tiện tác nghiệp; đe doạ; giữ người; bôi nhọ, vu khống; quấy rối tình dục; tấn công gây thương tích; trả thù. Đây là 12 hình thức cơ bản mà những nhà báo viết điều tra thường xuyên “đụng” phải khi tiếp cận thông tin về những vụ việc tiêu cực, phanh phui những sai trái của các cá nhân vi phạm trong và ngoài bộ máy công quyền…
 

Ngọc Mẫn

.