Vượt qua hàng trăm hải lý trên Biển Đông, chúng tôi đã đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đây, bây giờ không còn là phên, là dậu mà là tường rào vững chắc, là điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
 
Bài 1: Màu xanh Trường Sa
 
Biết đến Trường Sa từ rất lâu qua những trang sách, báo nhưng khi đến với mảnh đất thiêng liêng này, ấn tượng đầu tiên và rõ nét nhất trong tôi là màu xanh mềm mại giữa  bao la biển trời.
 
Xanh xanh vành đai chắn sóng
 
Với tôi, quần đảo Trường Sa thật đẹp với bầu trời trong xanh, cao vời vợi, biển mênh mông ôm ấp, vỗ về. Và hơn thế nữa, bao trùm lên Trường Sa lớn là màu xanh của cây phong ba, cây bão táp vững chãi, kiên cường.
 
Qua bao thế hệ, những người lính biển đã vun đắp nơi phên dậu của Tổ quốc thành một bức tranh tuyệt đẹp giữa bốn bề biển nước. Nhìn từ tàu, đảo Trường Sa được bao bọc bởi những hàng cây xanh, tạo thành một vành đai chắn sóng bảo vệ đảo trước muôn vàn khó khăn, thách thức.
 
Đặt chân lên cầu cảng Trường Sa Lớn, trong mỗi người chúng tôi vẫn còn cảm giác bồng bềnh như trên con tàu đang lướt sóng. Nhưng dưới tán cây rợp mát, rì rào trong gió biển, những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt của những người lính biển cho chúng tôi cảm giác thân thuộc như đã ở đây tự bao giờ.
 
Hai bên đường chính dẫn vào đảo là những hàng cây bàng vuông được trồng thẳng tắp. Dưới mỗi gốc cây là những hàng ghế đá được đặt ngay ngắn như ở những công viên trong thành phố. Khuất trong rừng phong ba, bão táp, bàng vuông… là những dãy nhà ở, ngôi chùa mái ngói đỏ tươi cùng những con đường bê-tông rợp bóng cây xanh nối dài từ khu nhà này qua khu nhà khác.
 
Đi sâu vào khu nhà ở của quân, dân trên đảo, đâu đâu cũng thấy những khu vườn nhỏ với luống rau muống, rau dền, mồng tơi xanh mơn mởn, giàn mướp trĩu quả...
 
Đưa chúng tôi đi thăm đảo, Trung tá Đỗ Thế Tuyển, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa giải thích, do thời tiết khắc nghiệt nên ở Trường Sa chỉ có một vài loài cây sống được. Chỉ tay về phía những hàng cây trước mặt, Trung tá Tuyển nói: Đây là cây phong ba, kia là cây bão táp. Sở dĩ có tên như vậy là do cây chịu được sóng gió, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, những cây này vẫn sống và phát triển tốt.
 
Ngoài ra, trên đảo còn có cây bàng vuông - loại cây đặc biệt và quý hiếm. Đặc điểm sinh trưởng của bàng vuông giống như cây bàng ở đất liền nhưng trái bàng vuông 4 cạnh và khi chín có màu tím, nhìn rất lạ mắt. Hiện nay, cây được nhân giống và có ở nhiều điểm đảo trên quần đảo Trường Sa.
 
Điều đặc biệt của loại cây này là mặc dù sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cây luôn nở hoa rất đẹp và tỏa hương dịu nhẹ về đêm, khiến cho những ai đến với đảo đều muốn chiêm ngưỡng. Điều rất lạ mà chúng tôi để ý thấy được là những cây bàng vuông phát triển cành không thẳng như cây bàng trong đất liền.
 
Hỏi ra mới biết, đó là do sóng gió quá khắc nghiệt, cây phát triển chậm nên thân hình luôn cong vẹo và thân cây đều gai góc, mang dáng dấp già cỗi. Ngắm những hàng cây xào xạc, Đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Mỗi đảo ở Trường Sa phù hợp với từng loại cây khác nhau. Ở đảo Trường Sa Lớn thì có cây phong ba, bão táp, cây bàng vuông nhưng đảo Nam Yết lại phù hợp với cây mù u, cây dừa và các loại cây ăn trái như đu đủ, xoài và nhàu.
 
Rời Trường Sa Lớn với những tán cây bàng vuông rợp mát, đến với Trường Sa Đông, chúng tôi thấy loại bàng ta (loại cây có nhiều trong đất liền) đã được cán bộ, chiến sĩ đưa ra trồng rất nhiều. Theo Trung tá Trần Văn Vân, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, bàng từ đất liền đưa ra phát triển nhanh và cao hơn cây bàng vuông. Hiện nay, ở đảo Trường Sa Đông có trên 200 cây bàng và cây tra lớn, luôn tỏa bóng mát giữa bao la biển trời, tạo thành một vành đai chắn sóng bảo vệ đảo.
 
“Vàng xanh” ở Trường Sa
 
Trên những chuyến tàu chở hàng đến với Trường Sa, món quà đặc biệt được những người lính “ngóng chờ” lại là… xơ dừa. Theo lý giải của các anh, đây là món quà được dùng không những lâu nhất mà còn góp phần cải thiện đáng kể cho bữa ăn của quân và dân trên đảo. Mới nghe có vẻ khôi hài, nhưng trong bữa ăn, một sĩ quan trên đảo chìm chỉ vào đĩa rau xanh nói: “Đây là sản phẩm từ xơ dừa đấy!”.
 
Và rồi, theo lời chia sẻ của những người lính đảo, tôi mới hiểu đĩa rau đối với họ quý giá dường nào và chuyện trồng rau trên đảo thật sự rất đặc biệt, đòi hỏi bao mồ hôi, công sức, sự chắt chiu, chịu thương chịu khó của những người lính quanh năm dãi nắng, dầm sương nơi Biển Đông sóng gió. Vì thế, rau được lính đảo ví là “vàng xanh”
 
Trong điều kiện xa đất liền, việc cải thiện đời sống gặp khó khăn nhưng người lính Trường Sa không đầu hàng trước sự khắc nghiệt, vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn, biết tận dụng mọi vật dụng có thể để ươm mầm rau xanh trong khuôn viên đảo. Ở các đảo mà chúng tôi đến, dù là đảo nổi Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, hay ở những đảo chìm như: Đá Lát, Đá Đông hay Đá Tây…, đâu đâu cũng có những vườn rau xanh tốt.
 
Trồng rau trên đảo đã khó, trồng rau trên đảo chìm càng khó gấp bội lần. Những người lính biển đã tận dụng những khoảng trống ở hành lang, trên sân thượng cùng những vật dụng có thể dùng được như những thanh gỗ mục từ biển dạt vào, những tấm bạt đã hỏng, những chiếc chậu giặt để chứa xơ dừa cùng đất được gửi từ đất liền ra, tạo thành vườn rau.
 
Xung quanh vườn còn được che chắn rất cẩn thận để tránh gió, bão, sóng biển cùng hơi nước mặn thổi vào – những thứ hạn chế sự phát triển của rau. Phân bón cho rau cũng được những người lính biển tận dụng từ những cá con, đầu cá, đuôi cá không dùng được, cho vào thùng ủ, rồi tưới vào chậu đất để cung cấp chất dinh dưỡng nuôi rau.
 
Trồng rau trên đảo khó khăn nhất vẫn là nguồn nước. Nước mưa được tích trữ để dùng cho ăn uống và sinh hoạt còn không đủ thì lấy đâu ra nước để tưới cho rau. Trong cái khó, ló cái khôn, những người lính đảo thu gom lượng nước tắm rửa, sinh hoạt hằng ngày, đưa vào bể chứa riêng để dành tưới rau. Hiện nay, các đảo ở quần đảo Trường Sa đều trồng được nhiều loại rau quen thuộc như: rau muống, mồng tơi, cải, lá mơ, rau húng.
 
Đối với lính đảo, bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trồng rau cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, được các đảo đưa vào chỉ tiêu thi đua hằng tháng, hằng quý. Nhờ đó, trong các bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, lượng rau xanh luôn được bảo đảm.
 
Có đến Trường Sa, mới thấy diện mạo nơi này ngày càng khang trang, sạch đẹp; và điều dễ cảm nhận nhất là màu xanh cây lá phủ khắp nơi trên đảo, chan hòa cùng sắc xanh biển trời
 
Theo Báo Đà Nẵng
.