Từ những cơ sở của Dũng Linh, bà Hồng, bà Nhung, trà bẩn và trà kém chất lượng ung dung đến với các nhà máy chế biến, ướp hương tại Bảo Lộc và nhiều tỉnh thành khác. Sau đó, “sản phẩm” này lại tiếp tục được đấu trộn một lần nữa rồi mới len lỏi “vươn vòi” ra khắp các thị trường trong nước.


Với mạng lưới phân phối và tiêu thụ rộng khắp như vậy, các loại trà loại thải qua mỗi công đoạn lại được phù phép để qua mặt người tiêu dùng. Với “công nghệ” đấu trộn như vậy thì rất khó để phát hiện. Loại trà đen đấu trộn này chủ yếu được dùng để ướp hương. Nếu là ướp hương hoá học thực phẩm thì tỷ lệ trộn có thể ít hơn, nhưng nếu ướp bằng hương hoá học công nghiệp thì tỷ lệ trộn là vô chừng. Loại hương liệu này sẽ lấn át mùi đặc trưng của bã trà xanh hoặc trà phế phẩm.

Trong khi đó, theo một chủ trại hòm tại Bảo Lộc, cách nói dùng trà này để ướp xác chủ yếu để qua mắt dư luận. Trên thực tế, trà ướp xác được sử dụng là các loại trà buồm hoặc trà cám vốn có rất nhiều tại địa phương và còn giữ được mùi đặc trưng của trà. Chẳng ai “dại gì” mà đưa bã trà trở lại “xứ trà” chỉ để dùng ướp xác, trong khi giá trị kinh tế lẫn giá trị sử dụng không đáng bao nhiêu.
 

Theo Báo Lâm Đồng

.