Thời trang sinh viên ngày càng "thoáng"
Cập nhật lúc 16:33, Thứ năm, 13/09/2012 (GMT+7)
Có lẽ đã qua lâu lắm rồi cái thời nữ sinh viên các trường ĐH,CĐ diện bộ trang phục áo sơ-mi trắng quần tối mầu hay những chiếc áo dài thướt tha. (trang phục mát mẻ, lộ hàng, văn hoá, sinh viên)
Có lẽ đã qua lâu lắm rồi cái thời nữ sinh viên các trường ĐH,CĐ diện bộ trang phục áo sơ-mi trắng quần tối mầu hay những chiếc áo dài thướt tha.
Cái nết đánh chết cái đẹp
Thời gian qua giới truyền thông đang tích cực lên tiếng về việc nữ sinh Việt ngày càng “chịu khó” lộ hàng trong lớp. Điều này chứng tỏ trào lưu “trang phục mát mẻ” lên giảng đường ngày càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Nam SV Đỗ Tiến Thắng, trường ĐH Bách khoa cho biết: “Trường mình là trường kỹ thuật nên cũng ít các bạn nữ và hầu hết là dân kỹ thuật nên các bạn nữ có lẽ cũng nam tính nhiều hơn không mấy khi ăn mặc “gợi cảm”, nhưng mình có bạn học tại các trường khối C, D,… thì được biết các bạn nữ sinh tại đây có gu ăn mặc rất hiện đại, nghe cũng hấp dẫn nên mình từng thử lên giảng đường những trường đó ngồi một buổi thì phải từ bỏ ý định ngay. Đúng là đẹp thì có đẹp, nhưng mà nhức mắt và hãi hùng quá…”.
Thậm chí trên Facebook còn có một diễn đàn dành riêng cho các bạn SV để chỉ trích những thói quen diện trang phục “nóng” của các bạn nữ sinh trên giảng đường những lời bình luận kiểu như: “Mình còn “choáng” khi nhìn thấy các bạn nữ cùng trang lứa mặc những trang phục “mát mẻ” tới trường, huống hồ là thầy cô và các bạn khác giới”, một nữ sinh chia sẻ. “Giờ mình thích đi học lắm, không phải vì bài giảng của thầy cô hấp dẫn mà các bạn nữ diện trang phục nóng bỏng là động lực để mình đến lớp đều hơn…”, một nam SV viết bình luận trên diễn đàn.
Cô giáo Phạm Thị Thanh T, nguyên giảng viên trường ĐH VH chia sẻ: “Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với các bạn SV, tôi khó có thể chấp nhận chuyện SV ăn mặc quá hở hang, gợi cảm đến trường. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, các em thường thích thể hiện mình, nên điều quan trọng là nói để các em hiểu ăn mặc sao cho hợp với hoàn cảnh, với văn hóa truyền thống…”. Còn đại diện Đoàn thanh niên trường ĐH VH, ĐH MTCN thì chung một nhận định: “Áo trong suốt, váy ngắn trên nửa đùi là những trang phục mà nhiều nữ sinh chọn để diện đến lớp thời nay. Trong khi hàng nghìn SV khác đang nỗ lực để làm đẹp danh từ “sinh viên” thì những bạn trẻ này lại vô tình làm xấu đi hình ảnh trong sáng này”.
Nhiều chuyên gia về giáo dục cũng phải cay đắng thừa nhận: Vẫn biết rằng SV Việt Nam đến trường để học, để tu rèn kiến thức và hoàn thiện vốn hiểu biết của mình, sau này đưa nó vào thực tiễn, ứng dụng vào đời sống để cùng nhau góp sức xây dựng đất nước ngày một phát triển, xây dựng xã hội an cư, hòa bình. Thế nhưng SV Việt đang khiến thế giới nhìn SV Việt Nam không phải vì năng lực học tập, bản lĩnh tri thức mà lại là việc “hội nhập” thời trang lộ liễu, thiếu thẩm mỹ.
Điều gì cũng cần được đặt đúng nơi, đúng chỗ, nếu đứng trên sàn catwalk các bạn nữ sinh có thể mặc bất kỳ trang phục theo phong cách nào với yêu cầu từ nhà thiết kế. Đi dự dạ hội các bạn nữ có quyền ăn mặc cầu kỳ hoặc đơn giản mà sang trọng… Mỗi cảnh một phong cách. Nhưng giữa chốn học đường, trên ngọn nguồn tri thức thì cần phải biết cách trân trọng tri thức, trước tiên bằng hình thức để thể hiện thái độ, sau là hành động tiếp nhận nó.
Các nữ SV cũng nên hiểu rằng, giảng đường là nơi văn minh và lịch sự, nên trang phục được mặc đến trường phải kín đáo, đứng đắn để thể hiện mình là người có học và tôn trọng người khác. Các trường học cũng nên có quy định cụ thể, rõ ràng về trang phục học đường và có hình thức phạt với các em mặc hở hang, phản cảm. Gia đình và nhà trường nên giáo dục để các em hiểu được rằng cái đẹp không thể đo đếm bằng chỉ số hình thể, độ hở hang mà bằng sự thông minh, tri thức, phong thái tự tin, tràn đầy sức sống. Đó mới chính là cái đẹp bền lâu và có “văn hóa”…
PL&XH
.