(BVPL) - Chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam đang từng ngày vững bước trên con đường xây dựng đất nước giàu đẹp. Nhưng trong thời bình, thi thoảng ở đâu đó trên đất nước chúng ta bom vẫn nổ và cướp đi sinh mạng của những con người vô tội để lại những nỗi đau dai dẳng…
 


Trước đó, ngày 23/10/2013, một vụ tai nạn thương tâm do bom mìn đã xảy ra tại Trường THCS Lê Hóa huyện (Tuyên Hóa). Vụ nổ làm em Hoàng Tuấn Vũ bị tử vong, còn em Đinh Phương Nam bị thương nặng. Cả hai em đều là học sinh lớp 8A, Trường THCS Lê Hóa. Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết, các em học sinh đã nhặt được một vật kim loại đã gỉ ở bờ sông mang về chơi và không may phát nổ.

Chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh

Chiến tranh kết thúc, Nhà nước ta đã rất quan tâm để xây dựng các chương trình rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả xấu do bom mìn gây ra. Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2015 (gọi tắt là Chương trình 504), là một trong những chương trình như thế. Thực hiện chương trình này, chúng ta hướng tới mục tiêu “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu cũng như tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội.”.

Ngoài những nỗ lực trong nước, chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài trong công cuộc làm sạch những vùng đất “chết” do nhiễm bom mìn. Hàng ngàn quả bom mìn các loại đã được đưa ra khỏi lòng đất và tiêu hủy an toàn. Bên cạnh đó là các chương trình phổ biến kiến thức cho người dân trong công tác phòng tránh hậu quả bom mìn, nhất là đối tượng trẻ em.

Những vùng đất bị nhiễm bom mìn nặng như Quảng Bình, Quảng Trị, học sinh ở nhiều trường học đã được phổ biến kiến thức để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn - Bộ Tư lệnh Công binh cho biết, ngoài những buổi tuyên truyền cho các em như thế này, chúng tôi cũng mở rộng tuyên truyền cho các bậc phụ huynh để họ nắm rõ thông tin và nhận thức đúng tác hại của tai nạn bom mìn và hướng dẫn con em mình cách phòng tránh.

Phải mất thêm nhiều thập kỷ, thậm chí là dài hơn nữa, chúng ta mới có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tai nạn bom mìn còn sót lại. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của Chính phủ, sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo nước ngoài, chúng ta đang tiếp tục từng ngày làm sạch những vùng đất mà trước đây từng là những vùng đất “chết” do bom mìn. Và trách nhiệm chúng ta là cần phải tuyên truyền làm sao hạn chế thấp nhất nguy cơ tai nạn bom mìn xảy ra cho trẻ em – lứa tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bom mìn.
 

Xuân Nha

.