Với những nỗ lực không ngừng, dòng họ Đặng ở Liên Tỉnh đã phổ cập THCS từ năm... 1993, đề ra mục tiêu phấn đấu phổ cập THPT và phấn đấu “phổ cập đại học”. Phòng Giáo dục của huyện phải đến... học tập mô hình.
Những nỗ lực ấy đã đưa đến cho họ Đặng một kết quả không ngờ: cả họ có 12 tiến sỹ, 12 thạc sỹ, hơn 300 cử nhân và hàng trăm con em khác đang học tập tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Họ Đặng đã 2 lần vinh dự được tỉnh cử đi báo cáo thành tích trong Hội nghị toàn quốc nhân điển hình tiên tiến về phong trào khuyến học khuyến tài tại Hà Nội…
Sau hơn chục năm giữ vai trò chi hội trưởng hội khuyến học dòng họ Đặng, ông Kiểm đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. 10 năm gắn bỏ với phong trào khuyến học dòng họ, những kết quả đạt được đã không phụ tâm huyết của ông.
Nụ cười khó khăn của người già, lại bị cái lạnh đột ngột của ngày lập đông làm chân ông phù nề, khó chịu. Ông lắc đầu quầy quậy, rằng chính ông cũng không biết sức mạnh nào đã giúp ông có đủ kiên nhẫn và sức khoẻ để chục năm đằng đẵng tẩn mẩn với những việc “vác tù và… hàng họ!”.
Nhưng, nhìn kết quả học tập của con cháu họ Đặng trong làng, sức khoẻ, nhiệt huyết của ông như được nhân lên gấp bội.
Nam Hồng là một xã thuần nông, xa trung tâm, xa đường quốc lộ. 100% hộ gia đình trong xã đều theo nghề nông. Thôn Liên Tỉnh nơi dòng họ Đặng sinh sống cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó.
Ngoài nghề nông, các gia đình họ Đặng có nghề dệt vải. Tiếng thoi đưa bền bỉ vẫn lách cách miệt mài bất kể ngày đông, tháng giá. Theo những nhịp thoi đưa, cả dòng họ đều tằn tiện, bóp mồm bóp miệng nhưng không bao giờ để con em trong nhà phải thiếu thốn trong học tập.
Tuy là dòng họ lớn trong thôn, song con cháu họ Đặng phương trưởng đều thoát ly khắp cả nước. Ở quê hương bây giờ chỉ còn 81 hộ với 261 khẩu. Hầu hết con em các gia đình đều đi thoát ly, đi học xa khiến cả xóm vắng hoe hoắt.
Ngót hai chục năm, ngôi nhà của cụ Kiểm trở nên rộng thênh thang vì chỉ có mỗi hai thân già sinh sống. Bốn người con của cụ đều đã phương trưởng, thành đạt, là tiến sỹ, thạc sỹ giảng dạy trong các trường ĐH lớn ở Thủ đô…
Cũng như thế, gia đình bà Đặng Thị Bích, giáo viên về hưu và cũng là người “tiền nhiệm” vị trí Chi hội trưởng thay cụ Kiểm phụ trách Hội khuyến học dòng họ, cả chục năm trời đằng đẵng cũng chỉ có mỗi hai vợ chồng. Gia đình cụ Đặng Đức Ru, cụ Đặng Ngọc Viên, Đặng Đức Nhiệm, Đặng Uông… cũng quạnh quẽ.
“Nuôi con ăn học vất vả nghiêng người, nhưng được đền đáp bằng sự phương trưởng của con cái cũng mát lòng mát ruột. Cả họ Đặng - Liên Tỉnh, nhà nào cũng vắng vẻ, neo người như thế.
Nhưng, cả dòng họ đều hiểu một điều, muốn xoá giặc đói, giặc dốt…, chỉ có con đường ăn học. Thế nên, thế hệ chúng tôi sẵn sàng hy sinh để con cháu được ăn học thành người. Có như thế, cái gốc căn bản của đói nghèo mới diệt tận gốc…” - cụ Kiểm tâm sự.
Liên Tỉnh bây giờ không còn những ngôi nhà tranh tre vách đất, thế nhưng, cũng chưa có nhiều những ngôi nhà cao tầng đồ sộ. Tiếng khung cửi vẫn cần mẫn đêm ngày. Đường thôn, ngõ xóm vẫn quạnh quẽ, hiu hắt vì vắng bóng người. Nếu thống kê, chắc chắn tỷ lệ “lão hoá” ở Liên Tỉnh ngày một gia tăng…
Thế nhưng, trong từ đường nhỏ bé, bức tường vẫn còn để gạch mộc vì chưa được trát hết, những bằng khen, những thành tích của một dòng họ hiếu học làm sáng bừng cả Ban thờ Tổ.
Điều ngạc nhiên của tôi, rằng lý do nào khiến một thôn làng lại có nhiều tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân như thế…, có lẽ cũng chẳng cần giải mã nữa. Có thể, đấy là sức mạnh của lời nguyền từ sự đồng thuận và quyết tâm chung lòng của cả một dòng họ gom lại!?
Theo Vietnamnet