Xuất hiện từ thời vải vóc còn khan hiếm, nghề sửa quần áo cũ trên đường Lê Đại Hành (phường 1, TP. Mỹ Tho) từng có một thời “huy hoàng” và giúp nhiều người dân mưu sinh. Ngày nay, khi ngành may mặc phát triển, nhu cầu sửa quần áo cũ giảm đáng kể, song nhiều người vẫn bám trụ với nghề. Có lẽ vì vậy, tuyến đường này còn mang chút hoài cổ và gợi cho người ta nhớ nét văn hóa mang đậm chất Mỹ Tho xưa.
Theo nhiều người dân TP. Mỹ Tho, “dãy phố” sửa quần áo trên đường Lê Đại Hành đã xuất hiện trên 20 năm, từ cái thời vải vóc còn khan hiếm. Sở dĩ các tiệm sửa quần áo tập trung đông ở tuyến đường này là do đây là đoạn đường có nhiều người hành nghề thợ may chuyên cắt, may quần áo từ những năm 1975.
Tuy nhiên, càng về sau do ngành may mặc phát triển, ít người mua vải may quần áo. Vì vậy, nhiều cửa hàng chuyên may quần áo chuyển sang sửa quần áo. Mặt khác, do đoạn đường này gần chợ Mỹ Tho có khá nhiều shop bán quần áo, khách hàng mua xong có nhu cầu may hoặc sửa chữa sẽ lập tức được đáp ứng…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thợ may ở đây mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng tìm đến nghề sửa quần áo để mưu sinh. Song, để trụ lại với nghề thì phải có tâm huyết và lòng kiên nhẫn. Bởi nghề sửa quần áo cũng không ít thăng trầm. Anh Lai Đức Đạt, đại diện Nhà may Xuân (đường Lê Đại Hành) sinh ra trong gia đình có nghề may truyền thống, cha mẹ đều là thợ may và là chủ tiệm may âu phục khá nổi tiếng tại TP. Mỹ Tho vào khoảng năm 1975.
Theo anh Đạt, chính sự phát triển của ngành may mặc với nhiều sản phẩm quần áo đa dạng khiến cho người thợ may không thể trụ lại với nghề. Vì vậy, muốn tiếp tục mưu sinh với chiếc bàn máy may không chỉ gia đình anh mà nhiều thợ may khác đã chuyển hẳn sang sửa quần áo cũ hoặc quần áo may sẵn để bảo đảm cuộc sống.
Cô Tuyết Mai cũng là thợ may quần áo trên đường Lê Đại Hành từ thời con gái, đến nay đã ngoài 50 tuổi. Do nghề may không còn hưng thịnh nên cô đã chuyển sang sửa quần áo hơn 10 năm nay. “Thời buổi bây giờ người ta không “ăn chắc mặc bền” như xưa, đa phần người dân sắm quần áo ngoài chợ, siêu thị chứ ít ai đi mua vải may quần áo, nhưng bù lại nhiều người mua quần áo mới vẫn phải mang đi sửa cho vừa ý mới mặc.
Vì vậy, nhóm người mưu sinh bằng nghề này cũng có công việc tương đối ổn định. Chịu khó nhặt nhạnh làm bằng kinh nghiệm với lòng yêu nghề cũng kiếm được “đồng ra, đồng vô”. Vả lại, tay quen may, vá rồi không bỏ được!” - Cô Tuyết Mai chia sẻ.
Thật vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhu cầu sửa quần áo mới của người dân nhiều hơn quần áo cũ, nhờ vậy nghề sửa quần áo được duy trì đến hôm nay. Theo anh Lai Đức Đạt, cách đây 15 năm, đường Lê Đại Hành chỉ có khoảng 3 tiệm sửa quần áo, nhưng đây có thể nói là cái thời “huy hoàng” của nghề này.
Hồi ấy, người dân các huyện, thậm chí Việt kiều về nước đều đem đồ đến sửa với nhiều loại quần áo đắt tiền, phải sửa cả ban đêm mới kịp giao cho khách. Vào dịp tết, mỗi ngày tiền công sửa đồ có thể sắm được 1 - 2 chỉ vàng. Bây giờ chỉ tính riêng đường Lê Đại Hành đã “mọc” lên cả chục tiệm sửa quần áo.
Thêm vào đó, đa phần người dân sửa đồ mới như: Lên lai, nới lưng, bóp lưng…, làm đơn giản nên tiền công không được như xưa. Dù vậy, vì là nghề “lấy công làm lãi”, ngày đắt hàng bù ngày vắng khách nên thu nhập cũng tương đối ổn định, có thể bảo đảm cuộc sống.
Ba-rem giá sửa quần áo như sau: Mở lưng hoặc thu lưng quần từ 10.000 - 15.000 đồng tùy loại quần; nới hay bóp ống quần: 5.000 đồng; lên lai quần từ 12.000 - 15.000 đồng tùy theo kiểu lên lai; thay dây khóa kéo từ 15.000 - 20.000 đồng tùy loại dây kéo... Tuy nhiên, ba-rem này thường được linh động thay đổi theo giá trị của sản phẩm và nghề nghiệp của khách; đối với người lao động, học sinh thường giá “mềm” hơn, có khi còn miễn phí.
Cô Tuyết Mai chia sẻ: “Tôi rất quý những người mang quần áo cũ đi sửa, bởi tình cảm của họ đối với món đồ tuy đã cũ nhưng vẫn lưu luyến không nỡ bỏ, đặc biệt là đối với những người lao động, họ cũng đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh như mình nên chẳng nề hà khi đính giùm cái nút áo bị đứt, vá lại chiếc áo, hay đạp lại đường chỉ bị sứt của những cái áo đã sờn vai mà chẳng nỡ lấy tiền công”.
Theo nhiều người mưu sinh bằng nghề sửa quần áo, làm nghề này phải tỉ mỉ, cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ. Khách tới sửa đồ ai cũng có tâm lý muốn nhanh, đẹp và rẻ, nên người thợ phải nắm bắt được tâm lý chung đó để làm cho tốt. Ngoài ra, người sửa phải biết tư vấn cho khách nên sửa thế nào vừa đẹp, vừa phù hợp, đáp ứng được mọi nhu cầu của khách, khẳng định “tay nghề” mới trụ lại được lâu dài.
Theo Báo Ấp Bắc