Từ bao đời nay, quan điểm của một số dân tộc thiểu số cho rằng, những mối nhân duyên bắt nguồn từ câu hát “Để tình cảm anh em tồn tại mãi mãi thì con chị phải lấy con dì” sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp, vợ chồng yêu thương nhau trọn kiếp… Đây chính là nguyên nhân của tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại bấy lâu khiến nhiều đứa trẻ phải chịu “di chứng hôn nhân” của bố mẹ và những hủ tục còn ăn sâu mãi trong tiềm thức của thế hệ tương lai.
 


Bác sĩ Dương Minh Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Cao Bằng cho biết: Tại Cao Bằng, tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra nhiều nhất đối với dân tộc Dao (64%); Mông (61%), Tày (23%), nhiều nhất là tại ba huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình và Thông Nông, chiếm 45%. Những dân tộc này họ có tập tục, tập quán riêng. Có trường hợp, ông bác mới sinh con gái, bà cô sang chơi mang cho vuông vải, phần để mừng đứa cháu, phần cũng là “miếng trầu dạm ngõ”, đánh dấu cô cháu gái của mình tương lai sẽ trở thành nàng dâu của mình…

Những đứa trẻ mang “di chứng hôn nhân”

Những người dân tộc có hôn nhân cận huyết thống lý giải rằng: Hôn nhân theo cách này mới đảm bảo tài sản được lưu giữ trong gia đình. Tổ tiên nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số truyền rằng, lấy nhau trong họ tộc để không mang của cải sang họ khác. Thực tế, họ chưa ý thức được, những đứa trẻ ra đời từ những mối “nhân duyên” này sẽ chịu những di chứng gì từ bố mẹ, ông bà chúng.

Theo kết quả khảo sát tại Lào Cai cũng cho biết trong 224 cặp kết hôn cận huyết thống có 24 cặp chưa sinh con, 200 cặp còn lại sinh ra 55/8 trẻ, trong đó có 51 trẻ không bình thường, từ bẩm sinh chúng đã mắc các bệnh như: Bạch tạng, thiểu năng trí tuệ, liệt, câm, lông mi trắng, mù lòa… và có 8 trẻ đã chết yểu.

Thực tế, con số còn chua xót hơn nhiều. Điển hình như tại thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát có hàng chục cặp kết hôn cận huyết, cá biệt có hộ gia đình có 2 cặp hôn nhân cận huyết trực hệ. Trong đó, một cặp có tới 3 con đầu sinh ra đều bị dị dạng bẩm sinh và chết sơ sinh; một cặp khác sinh con ra đều bị bại liệt…

Ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có tới 90% dân số người Mường, nơi đây được coi là “điểm nóng” của tình trạng hôn nhân cận huyết. Bác sĩ Bùi Văn Nghệ (Trạm trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Đồng) cho biết: Vài năm trở lại đây, không khí ảm đạm bao phủ cả một vùng quê nghèo vì hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Toàn xã có 10 em bị bệnh huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) thì có 2 em đã tử vong còn 8 em đang phải trải qua cuộc sống hết sức thương tâm. Phần lớn các em đều ở độ tuổi còn rất trẻ, từ 4 - 28 tuổi, trong đó có những em đã đến tuổi trưởng thành nhưng cũng chỉ sống theo kiểu “tầm gửi”.

Truyền thông bất lực?

Theo cán bộ tư pháp tại địa phương thì, vấn đề kết hôn cận huyết thống khó tiếp cận quản lý tại cộng đồng dân tộc thiểu số vì người dân ở đây đều sống theo hủ tục này, trở thành một phần trong đời sống văn hóa dân tộc. Trong quan niệm của họ, vấn đề hôn nhân được xử lý ở góc độ tình cảm, thói quen chứ không xem xét đến khía cạnh pháp luật. Phần lớn, những người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa không biết những hệ lụy nghiêm trọng từ hôn nhân cận huyết gây ra. Đây được xem là thiếu sót của truyền thông.

Hiện nay, một số địa phương đã có cách khắc phục nhằm tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết. Tại Hà Giang, từ năm 2010, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần đã tiến hành triển khai mô hình tảo hôn, kết hôn cận huyết thống bằng việc thành lập 2 câu lạc bộ: CLB ở trường trung học cơ sở với 20 thành viên; và CLB ở xã với 30 thành viên tham gia. Các CLB sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng đều đặn nhằm tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt phân công các thành viên đến từng hộ gia đình có nguy cơ kết hôn cận huyết để vận động.

Trước thực trạng kết hôn cận huyết thống, UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả “Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số”. Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động hỗ trợ pháp lý, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình trong đồng bào các dân tộc địa phương tại 26 xã có tỷ lệ kết hôn cận huyết thống cao là: Tà Xùa, Phiêng Côn (Bắc Yên); Kim Bon, Tân Lang (Phù Yên); Lóng Luông, Vân Hồ, Lóng Sập (Mộc Châu)…

Các mô hình triển khai nhằm hạn chế tối đa việc kết hôn cận huyết thống tiến tới xóa bỏ tình trạng “phép vua thua... lệ làng”, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc. Đây là “cuộc chiến” cần sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò của các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm tuyên truyền chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
 

Hà Nhân