Vụ sập giếng khai thác vàng “thổ phỉ” xảy ra vào chiều 12/1/2014 khiến nhiều người dân xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn không khỏi bàng hoàng. Họ bàng hoàng vì lần này có tới 3 người chết, một người bị thương. Bàng hoàng hơn vì việc sập hầm vàng đã được báo trước. Nhưng có lẽ họ bàng hoàng nữa vì nỗi đau để lại vẫn còn trầm dưới những giếng vàng.
 
"Bàng hoàng như sập giếng vàng"
 
Những ngày này, nhân dân xã Bắc Sơn đang hào hứng bước vào vụ sản xuất mới. Họ vui cái vui khi tết đang cận kề. Xã vừa được công nhận là an toàn khu thời kháng chiến chống Thực dân Pháp. Vui hơn nữa nơi đây đã trồng thành công cây cà chua trái vụ khiến cho đời sống của nhân dân ngày một khởi sắc. Thế nhưng cũng những ngày này chúng tôi về Bắc Sơn nhưng không phải để vui cái vui của cà chua trái vụ, nếp cái hoa vàng đang làm dân nơi đây giàu lên mà chúng tôi về để viết một chuyện buồn. Chuyện buồn ấy có lẽ nó còn đeo đẳng cả xã rất lâu. Trước hết để bạn đọc tiện theo dõi tôi xin phác thảo bức tranh của nạn khai thác vàng “thổ phỉ” đã và đang diễn ra trên địa bàn xã Bắc Sơn.

 

Khe giếng vàng nơi xảy ra vụ sập giếng làm ba người tử vong
Khe giếng vàng nơi xảy ra vụ sập giếng làm ba người tử vong

 

Vào giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, xã Bắc Sơn nổi lên hiện tượng khai thác vàng sa khoáng tại các lân lũng quanh xã. Chẳng biết vàng được bao nhiêu nhưng cứ một đồn trăm, trăm đồn nghìn. Có lúc hàng trăm lao động khai thác vàng đổ về đây đào giếng, vét hang để tìm vàng. Những trùm khai thác vàng sa khoáng như Đức “Quân Khu”, Bưởng Trường, Bưởng Kiên ở tận Thái Nguyên cũng mang máy hút, máng đến Bắc Sơn làm sôi động cả một vùng. Cũng không biết họ có kiếm được vàng hay không nhưng những chiếc xe sang đổ về ngày một nhiều khiến cho nhiều người dân địa phương vàng mắt. Và cứ thế họ vào núi tìm vàng theo kiểu thổ phỉ. Đã có không ít cái chết thương tâm xảy ra. Chỉ trong vòng 7 năm 4 mạng người chết vì vàng. Và đến hôm nay có thêm 3 người chết nữa nâng số người chết vì vàng ở đây lên con số 7.
 
Gặp chúng tôi, anh Dương Văn Đôn, Bí thư Đảng bộ xã Bắc Sơn không giấu được nỗi xót xa. Anh nói bằng giọng thật buồn: “Ba mạng người chuyện quá bất ngờ chú ạ, họ đang là trai tráng. Buồn quá!”. Nói rồi anh thở dài. Theo báo cáo số 03 ngày 13/1/2014 của UBND xã Bắc Sơn, tại núi Keng Ích thuộc Lân Hoài giáp ranh xã Hữu Vĩnh và Bắc Sơn có khu đất độc lập của ông Dương Đức Khôi sinh năm 1950. Năm 2010 gia đình ông phát hiện tại một giếng hang nhỏ ăn sâu vào chân núi có vàng sa khoáng nên đã rủ nhau khai thác. Đến tháng 12/2013 đã có 8 người cùng đầu tư vốn và tham gia đội khai thác gồm: Dương Đức Dũng (1978), Dương Hữu Đốc (1972), Dương Đức Vũ (1969), Dương Công Duân (1968), Dương Hữu Truyền (1976), Dương Hữu Đông (1974), Dương Công Thắng (1967), cùng ở thôn Trí Yên xã Bắc Sơn và Đàm Tuấn Anh (1981) có hộ khẩu tại phường Đông Kinh thành phố Lạng Sơn. Ngày 12/1/2014 Dương Hữu Đốc, Dương Hữu Đông, Dương Hữu Truyền, Đàm Tuấn Anh chui xuống giếng ở độ sâu tầm 60 mét tìm vàng còn ông Dương Công Duân ở trên chạy máy nổ, bất ngờ lòng giếng phát ra tiếng ục, toàn bộ đất, cát, đá đổ ụp xuống vùi lấp Đốc, Đông và Anh, Dương Hữu Truyền ở phía trên nên chạy thoát. Khi lực lượng cứu hộ đến nơi thì Đốc, Đông, Anh đã tử vong. Mãi đến nửa đêm 12/1 lực lượng cứu hộ mới đưa thi thể của họ lên được.
 
Vào bãi vàng rưng rưng nước mắt
 
Chúng tôi quyết tâm vào bãi vàng khi nắng chiều đã tắt và nhiệt độ đang xuống rất nhanh. Gió bắt đầu thổi qua lân ào ào như có người nắm cát hắt vào mặt. Con đường vào Lân Hoài càng lúc càng xa vì anh em phải bỏ xe máy đi bộ. Dọc đường còn vương vãi những giấy mã và những tàn đóm tre đen xám buồn bã. Đoàn đi có 5 người nhưng chẳng ai nói với ai một câu bởi chúng tôi ai cũng buồn cho những phu vàng vừa phải ra đi trong lúc họ còn quá trẻ. Cứ lầm lũi tầm 1 tiếng chúng tôi có mặt ở Lân Hoài. Lân Hoài xưa nổi tiếng là nơi sơn thủy hữu tình thì hôm nay vắng lặng đến nao lòng. Khó khăn lắm chúng tôi mới vượt qua bức tường đá ken dày những gai để vào tận nơi khai thác. Trước mắt chúng tôi là nồi, chậu, bát đũa ngổn ngang. Áo quần phơi trên những dây phơi lán dã chiến bê bết bùn đất. Hai chiếc máy hút công suất lớn vẫn tí tách. Và trên nền đất vẫn sót lại đâu đó đôi vệt máu của người xấu số. Theo anh công an viên gò lưng bước lên dãy lán khai thác, máng vẫn còn nguyên cát, dây thừng vắt vẻo chẳng khác nào những vòi bạch tuộc. Tất cả đều hoang sơ. Anh Dương Văn Bắc, Hội Nông dân xã xót xa, thủ công thế này không tai nạn mới lạ. Bước vào giếng khai thác, một chiếc giếng nhỏ chỉ đủ một người chui lọt. Nhìn xuống lòng giếng sâu hoắm là dây rợ, ống hút khiến những người chứng kiến lần đầu không khỏi rùng mình. Ngay miệng giếng là một bàn thờ chắc lập vội để thắp hương cho những người xấu số. Theo anh công an viên dẫn đường, khó khăn nhất là đưa thi thể nạn nhân lên khỏi giếng, phải dùng tời kéo từng tí. Những người chui xuống nhiều khi phải ngoi lên để thở. Suốt nửa ngày tìm xác là cả xã không ngủ.

 

Máy khai thác vàng còn sót lại tại hiện trường
Máy khai thác vàng còn sót lại tại hiện trường

 

Thắp nén nhang bên miệng giếng, chúng tôi phải quay lại xã ngay bởi ở Lân Hoài trời tối rất nhanh. Chúng tôi không dám nhìn lại bởi không muốn chứng kiến nỗi đau thêm một lần nữa. Trò chuyện với bác Dương Thị Hoa thôn Trí Yên, hàng xóm của hai nạn nhân, chúng tôi được biết gia đình những người đi đào vàng hầu hết là những hộ còn khó khăn. Anh Dương Hữu Đốc đang nuôi hai con học chuyên nghiệp, mục tiêu của anh đi làm vàng là kiếm thêm cho các cháu mà thôi. Anh Dương Hữu Đông thì con còn nhỏ, nhà cửa tuềnh toàng. Nghe hàng xóm nói vì sang năm làm nhà nên anh đi làm vàng để có thêm tiền đắp vào ngôi nhà mơ ước. Nhưng vàng đâu chưa thấy mà chỉ thấy những vành khăn trắng trên đầu con trẻ.
 
Lại thắp vội nén nhang cho anh Đốc tôi cứ suy tư, nếu nơi này không có lốc vàng, nếu họ cứ chăm chỉ làm ăn...Họ đâu có biết việc làm của họ đã khiến bao người phải khổ, chưa kể đấy là tàn phá môi trường, tận diệt tự nhiên. Họ đáng thương nhưng cũng đáng trách...Chúng tôi rời thang nhà sàn người xấu số khi gió đang ràn rạt thổi về mang theo cái lạnh tê tái giữa đông.
 
Theo Báo Lạng Sơn