“Ổng yêu và mê biển. Một chuyến đi biển mất gần cả tháng trời nên mỗi lần ra khơi là ổng lo ngay ngáy, sợ vợ bỏ mà. Bọn tui vợ ngán, vợ bỏ trước rồi” - máy trưởng Chính nói xong, cả hội cười khúc khích. Thuyền trưởng Trần Văn Hùng (Liên Chiểu, Đà Nẵng) lúng túng thanh minh: “Lên bờ, đi ra đi vô hoài cũng chán”.
Buổi chia tay nhau trước ngày ra khơi của Thuyền trưởng Trần Văn Hùng diễn ra chớp nhoáng nhưng ấm tình người. Các anh nói cười rôm rả ai cũng rạng ngời, hồ hởi mong chờ một chuyến đi biển bội thu. Là ngày cuối trên bờ nên công việc khá nhiều. Công tác chuẩn bị từ lương thực thực phẩm, thuốc men đã xong. Khi các thủ tục trên tàu đã tạm ổn, các anh ăn vội dăm ba miếng rồi lật đật về nhà chuẩn bị hành lý cá nhân.
Mới trở về chưa đầy 10 ngày sau một tháng lênh đênh trên biển, Thuyền trưởng Hùng cùng 12 người bạn tàu đang hừng hực khí thế cho một chuyến ra khơi mới. Đây cũng là chuyến thứ tư trong năm nay của các anh. Khi tôi băn khoăn hỏi sao không ở nhà nghỉ ngơi mà lại ra khơi nhanh vậy, Thuyền trưởng Hùng cười :”Thế là lâu rồi. Đáng ra mỗi chuyến đi biển chỉ cách nhau 2, 3 ngày”.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển, Thuyền trưởng Hùng bắt đầu nghiệp biển của mình từ năm học lớp 6. Anh kể, lần đầu theo bố ra khơi không quen sóng gió, anh bị “say” nằm bẹp trên tàu cả tháng. Phải 3 năm ròng rã trên biển anh mới quen với mùi của biển cả. Gia đình có 5 anh em thì đã có 3 người nối nghiệp bố. Thời gian đầu anh đi chung cùng các chủ thuyền khác, khi có chút vốn, anh gom góp đóng tàu công suất nhỏ, mới đây, nhờ có chính sách hỗ trợ ngư dân của Nhà nước và của TP. Đà Nẵng, anh mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn. Con tàu thuộc vào hàng “số má” của Đà Nẵng này đã cùng anh ngang dọc trên mọi vùng biển của Tổ quốc.
Đời anh gắn với biển từ nhỏ, bao phen nguy hiểm anh vẫn quyết không bỏ nghề. Nhớ lại mấy lần được thần chết trả về, anh vẫn không khỏi rùng mình. Năm 2010, trên đường câu mực khơi trở về, thuyền của anh nằm ngay tâm bão. Những cột sóng cao khoảng 7 - 8m bổ nhào xuống tàu nước tràn vào khoang. Tàu có dàn phơi mực nên khi bị sóng đánh thì chao đảo dữ dội. Đến bây giờ anh vẫn không thể nhớ làm cách nào mình thoát khỏi tâm bão. Trở về, anh bán tàu nhỏ, đóng tàu công suất lớn hơn, chuyển từ câu mực khơi sang đánh lưới với quyết tâm bám biển.
Là chủ của con tàu có công suất lớn nhất Đà Nẵng, chủ thuyền Trần Văn Mười (Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng là một ngư dân mê biển. Đúng như nhận xét “Mười dễ thương lắm” của ông Nguyễn Chước, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, Trần Văn Mười là một ngư dân cao to, vạm vỡ, làn da đen sạm đúng chất biển cả nhưng giọng nói, cử chỉ thì nhẹ nhàng, ấm áp rất “duyên”.
Anh hành nghề câu mực khơi cũng đã lâu. Con thuyền 990CV của anh mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 3 tháng. Khi mực khơi rớt giá, anh là một trong số ít những ngư dân còn trụ lại được với nghề. Tàu của anh cũng đã 2 lần bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh vẫn quyết tâm bám biển.
Không chỉ hoạt động mạnh trên biển, anh còn rất năng nổ trên bờ. Bên cạnh nỗ lực tuyên truyền, mở các cuộc triển lãm trưng bày tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến với nhân dân của TP, anh còn tự bỏ tiền in áp phích hình ảnh liên quan đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để trưng bày trên bãi tắm. Hơn thế, anh cũng đang xây dựng kế hoạch trang trí bãi tắm bằng những hình ảnh, tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo. Hiện tại, anh Mười đang là thành viên trong Ban vận động thành lập Hội nghề cá Hoàng Sa…
Quả là, đã là ngư dân thì ai mà không mê biển!
Thu Huệ