Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong  tháng 3, toàn quốc xảy ra trên 150 vụ vi phạm đê điều. Điều đáng nói là trong tổng số các vụ vi phạm được phát hiện, ngành chức năng và các địa phương mới xử lý được 27 vụ, 125 vụ còn tồn đọng, trong đó có hơn 70 vụ vi phạm nghiêm trọng. Trong khi các giải pháp của ngành chức năng dường như chỉ mới động đến “phần nổi của tảng băng chìm” thì những con đê vốn đã yếu ớt nay càng mong manh hơn trong mùa mưa bão.

 

Tu bổ đê điều trước mùa mưa bão. Ảnh: Xuân Hồng.
Tu bổ đê điều trước mùa mưa bão. Ảnh: Xuân Hồng.


Thành phố Hà Nội là một trong những “điểm nóng” về tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều. Theo báo cáo của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2013, Thành phố đã phát sinh trên 20 vụ vi phạm. Hầu hết các quận, huyện có đê chạy qua đều phát hiện vi phạm... Lý do các địa phương đưa ra cho tình trạng chậm trễ trong việc xử lý vi phạm và tiến hành tu bổ đê kè này là... thiếu kinh phí. Trong khi đó, công tác tu bổ đê kè của Thành phố mới đạt 70% kế hoạch đề ra.

Tại Hà Nam, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều cũng diễn ra khá phổ biến. Qua kiểm tra, có tới 1.632 hộ dân vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và xử lý 19 trường hợp vi phạm mới phát sinh nhưng do chế tài chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm chưa giảm, nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên xây dựng các công trình trên hành lang đê đặc biệt là tình trạng khai thác cát bừa bãi, trái phép, gây sạt lở bờ sông và chân đê.

Tại Bắc Ninh, UBND huyện Quế Võ cho biết, bước vào mùa mưa bão năm 2013, trước tình trạng vi phạm đê điều trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân để có trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Đê điều và tham gia tích cực bảo vệ đê; chỉ đạo các xã tổ chức giải toả 7 công trình xây dựng trái phép, 4 bãi tập kết vật liệu xây dựng, lấp hàng chục dốc lên đê và địa điểm lấy đất làm gạch. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến một số hộ dân tái phạm là mức độ xử phạt chưa cao, họ sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục khai thác cát trái phép.

Hải Phòng là một trong những thành phố biển, đồng thời lại là nơi tập trung 11 nhánh chính của hệ thống sông Thái Bình với tổng chiều dài 275km, chuyển tải lượng lớn dòng chảy lũ ra đại dương, kèm theo là 104km đê biển, 320km đê sông, 61km kè và 393 cống. Với đặc điểm này, thành phố thường xuyên phải huy động sức người, sức của để chống chọi với bão, lũ.

Trong vòng 10 năm qua, ngoài việc làm tốt công tác quản lý, tu bổ, thành phố đã tổ chức trồng mới hàng triệu mét vuông rừng cây chắn sóng. Điển hình ở xã Vinh Quang Tiên Lãng, có người nông dân dành gần trọn cuộc đời cặm cụi trên bãi biển hoang vu để ươm trồng từng mét vuông rừng phòng hộ. Vì vậy, những tuyến đê biển hiện đang được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là hệ thống cống dưới đê (cả sông lẫn biển) và tuyến đê sông của thành phố hầu hết được xây dựng từ năm 1950, nên độ vững không còn và cũng đã bị bào mòn qua hơn nửa thế kỷ. Chính phủ và chính quyền thành phố đã ưu tiên đầu tư củng cố, tuy nhiên do số lượng nhiều mà đòi hỏi đầu tư lại lớn nên hiện mới đáp ứng được một phần.

Theo các nhà chuyên môn, hàng năm do thiên nhiên tác động, bề mặt tuyến đê bị bào mòn chừng khoảng 2cm. Như vậy toàn tuyến đê ở Hải Phòng mất đi khoảng 210.000m3/năm. Nguy hiểm nhất là các hoạt động bơm hút cát lên bờ với khối lượng hàng vạn mét khối, không những làm ruỗng lòng sông, biến đổi dòng chảy, mà còn làm nước thấm chân đê diện rộng, gây sạt lở tầng nền bất cứ lúc nào. Có đơn vị còn tự ý san gạt, hạ thấp cao trình mặt đê sông Bạch Đằng ở huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng để mở đường cho những chiếc xe vận tải hạng nặng chạy qua làm hàng trăm mét đê bị sụt xuống trên 1 m.  Chi cục Quản lý đê điều Hải Phòng đã kiểm tra, kiến nghị, xử lý hàng chục vụ vi phạm, trong đó có nhiều vụ tái phạm.

Tuy nhiên, kết quả xử lý thường chỉ đạt 50% với nhiều lý do như chủ tàu, chủ vật liệu tránh mặt; cơ quan chức năng không có bến bãi tạm giữ phương tiện và tang vật; tàu hút cát trộm bị chính quyền địa phương bờ bên này kiểm tra thì họ lại chạy sang bờ bên kia… Để không tiếp tục diễn ra tình trạng người làm, kẻ phá khiến công tác bảo vệ đê điều như “dã tràng xe cát” nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương một mặt cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân đều nâng cao ý thức trách nhiệm, kịp thời báo cho cơ quan chức năng những hoạt động gây phương hại đến sự an toàn của tuyến đê, một mặt việc kiểm tra xử lý vi phạm cần được tổ chức thành các đoàn liên ngành, trong đó có cả chính quyền các địa phương giáp ranh 2 bờ sông, chống “bảo kê, làm luật”.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn chỉ đạo các địa phương chủ động phát hiện các sự cố đê điều, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều để mọi tổ chức, cá nhân hiểu và tự giác chấp hành. Tăng cường kinh phí để khắc phục sự cố đê điều, nhất là ở những điểm xung yếu, chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm những vụ tồn đọng để chủ động đối phó với mùa mưa bão được dự báo là rất khắc nghiệt đang đến rất gần.
 

 Xuân Hồng

.