Nhọc nhằn nghề cào ốc
Cập nhật lúc 14:55, Thứ tư, 16/10/2013 (GMT+7)
Trời đứng bóng, nắng gay gắt, từng tia nắng chiếu lấp lánh trên mặt biển xanh gợn sóng. "Nước biển "ra" rồi", bất chợt tiếng một người đàn ông cao gầy hô lớn. Một tốp người túa ra bờ biển, thuê ghe ra các cồn trên biển để cào ốc. (công sức lao động, cào ốc, mưu sinh vất vả)
Trời đứng bóng, nắng gay gắt, từng tia nắng chiếu lấp lánh trên mặt biển xanh gợn sóng. “Nước biển “ra” rồi”, bất chợt tiếng một người đàn ông cao gầy hô lớn. Một tốp người túa ra bờ biển, thuê ghe ra các cồn trên biển để cào ốc.
Sinh nghề tử nghiệp
Chị Gái và chị Thiết vẫn bàng hoàng khi kể lại trận bão số 9 năm 2006 kinh hoàng mà hai chị trải qua khi đang cào ốc trên biển. Gió thổi bay cả người, cát bay mù mịt, sóng biển gào thét dữ dội, các chị phải bám chặt tay vào nền cát. Tiếng chồng gọi vợ bị át đi trong tiếng gió mưa. “Bữa đó mắc kẹt dưới biển, vợ chồng cứ tưởng chết chứ không sống nổi” - chị Thiết nhớ lại.
Chị Gái bồi hồi nói: “Lần đầu tiên chị mới khiếp sợ đến thế, gió thổi bay cả người, chồng mạnh hơn, chạy theo níu vợ lại. Hai vợ chồng dìu nhau về được đến nhà mới bật khóc…”.
Chị Gái tâm sự: “Làm nghề này cũng gặp nhiều nguy hiểm. Nhỏ em gái ruột của chị cũng đi cào ốc, bị sét đánh chết. Lo sợ thì có nhưng nghề mưu sinh thì vẫn phải làm. Trời kêu ai thì nấy dạ chứ sao tránh được…”.
Theo lời người dân đi cào ốc thì tai nạn nhỏ khi làm nghề như chuyện đạp miểng chai, vỏ ốc… là thường. Chị Trang đưa vết sẹo lồi to ở dưới gót chân là “vết tích” cách đây 2 năm, khi dẫm phải mảnh chai dưới lòng biển.
Chị Gái kể thêm: “Nhìn chị rắn rỏi, đen đúa vậy nhưng trong người nhiều bệnh lắm. Ngày nào cũng phải uống thuốc viêm xoang, nhức mình đủ cả. Riết rồi tiền thuốc nhiều hơn tiền đi cào ốc…”.
Những người cào ốc có hẳn một “nghiệp đoàn”. Ông Trần Văn Sửu, một người làm nghề cào ốc lâu năm tiết lộ, người đi cào ốc chia theo từng nhóm, mỗi nhóm chừng 5-6 người, nhà ở gần nhau. Khu vực cào cũng được thỏa thuận phân chia bằng miệng - của nhóm nào nhóm đó cào. Những người phụ nữ gặp nhau hàng ngày trên bãi biển ấy nương tựa vào nhau cùng kiếm ăn. Chị nào trong nhóm cần tiền, chị em trong nhóm có thể “cho mượn” ốc cào được trong ngày để bán. Lúc nào có tiền thì trả tiền, không thì trả bằng ốc cũng chẳng sao. Vì quan niệm ốc là “lộc của biển” nên các chị cũng tổ chức một buổi cúng biển vào đầu mùa ốc, gọi là để “tạ ơn” biển. “Sinh ra nghề cũng phải làm cái lễ để bày tỏ lòng thành, mong biển sẽ cho nhiều “lộc” hơn nữa để không phải đi xa cào ốc…”.
Anh Sửu kể thêm: “Hiện “nghiệp đoàn” chúng tôi ở đây có khoảng hơn 30 người. Nếu ốc ở đây ít đi, chúng tôi lại dắt díu nhau sang các biển La Gi (Bình Thuận), có khi ra đến Phan Thiết, Quy Nhơn để cào ốc. Sau đó, gửi xe đông lạnh về Vũng Tàu bán”.
Xế chiều, chiếc ghe chở khách ra đón “nghiệp đoàn” cào ốc với những bao ốc đầy đặn vào bờ. Mang, vác, chở nhiều bao ốc nặng trĩu còn ướt sũng nước biển pha cát nhưng không ai than phiền. Trong họ đang khấp khởi niềm vui thành quả lao động của một ngày. Những bao ốc chất đầy lên xe, chở theo đó là công sức lao động mưu sinh vất vả…
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu
.