(BVPL) - Mạo danh một trường Cao đẳng, nhận “sinh viên” về mở lớp đào tạo. Ròng rã nhiều tháng trời các nạnnhân vẫn đều đặn lên lớp, đóng đủ học phí, nhưng đến tận học kỳ 2 của năm thứ nhất, 30 “sinh viên” này mới biết mình... dính quả lừa.

 
Những điều kỳ lạ ở lớp học… “Ma”
 
Được biết, theo thông báo trong giấy nhập học ngày 25 – 8 – 2012, nhiều em học sinh phải có mặt tại văn phòng tuyển sinh ở P105 trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội (nằm trong Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội) trên đường Lê Đức Thọ để nộp học phí học kỳ I là hơn 5 triệu đồng cùng hồ sơ làm thủ tục nhập học – Khoa Dược, trường Cao đẳng ASEAN. Tại đây có một cán bộ thu ngân cùng 1 thầy giáo (xưng tên Nam – sau này làm chủ nhiệm lớp) hướng dẫn các em về học tạm tại cơ sở mới là trường Trung cấp Kinh tế - tài chính Hà Nội (địa điểm đối diện bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông). Các em học sinh đến nhập học hôm đó, cũng được các cán bộ giải thích, hiện cơ sở của trường không đủ chỗ nên phải tách riêng 1 lớp về thuê tạm ở đây để học. Chính vì thế, mà tất cả các em hoàn toàn tin tưởng.
 
Văn phòng trường CĐ ASEAN (20 Yết Kiêu - Hà Nội) - Ngôi trường bị các đối tượng mạo danh để lừa tuyển sinh.
Văn phòng trường CĐ ASEAN (20 Yết Kiêu - Hà Nội) - Ngôi trường bị các đối tượng mạo danh để lừa tuyển sinh.
 
Theo phản ánh của các nạn nhân, quá trình học kỳ I cả lớp chỉ được học 5 môn: Triết học, Chính trị, Ngoại ngữ, Thể dục và Tin học. Các em chẳng bao giờ gặp cán bộ hay giáo viên chính của trường, ngoại trừ thầy Nam (và một cán bộ khác có tên Huy - người từng đứng ra thu tiền của sinh viên từ đầu năm). Thêm vào đó, ngoài chức năng chủ nhiệm, thầy Nam còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Triết học và Chính trị.
 
Hết học kỳ I, ngày càng có nhiều dấu hiệu bất thường: Riêng môn tiếng Anh trong kỳ I, giáo viên bị thay tới… 7 người; có đôi lần lớp học này bị buộc phải nghỉ vì “thầy” Nam nợ tiền thuê cơ sở, chây ì không chịu trả; Sinh viên đã bị bảo vệ trường Trung cấp Kinh tế - tài chính Hà Nội đuổi ra ngoài; Thẻ sinh viên không được cấp. Ngoài ra việc khám sức khỏe, mặc dù đã nộp 350 nghìn đồng nhưng không em nào được đi khám.
 
Trong tâm trạng hoang mang, nhiều em học sinh tập trung gần văn phòng trường Cao đẳng ASEAN để phản ánh sự việc.
Trong tâm trạng hoang mang, nhiều em học sinh tập trung gần văn phòng trường Cao đẳng ASEAN để phản ánh sự việc.
 
Lật tẩy…
 
Trước “tình hình” trên, một số bạn “sinh viên” quyết định tìm về văn phòng nhà trường, cơ sở 2 tại 20 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để hỏi cho ra nhẽ. Khi đến Phòng Đào tạo các em hốt hoảng khi được các thầy cô tại đây cho biết: “Trường Cao đẳng ASEAN không hề có bất cứ lớp học hoặc chi nhánh nào học tại trường Trung cấp Kinh tế - tài chính Hà Nội”.
 
Ngày 6-4, trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh sự việc này, Nhà giáo Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT trường Cao đẳng ASEAN khẳng định: “Chúng tôi không hề biết có một lớp học mang danh của chính trường Cao đẳng ASEAN cho đến khi sự việc bị phanh phui. Hiện tại trên hồ sơ quản lý sinh viên không có bất cứ một lớp học nào như thế. Tôi khẳng định các em sinh viên ở lớp học “ma” nói trên, không có tên trong danh sách sinh viên trường quản lý!”. 
 
Kết quả rà soát cho thấy, trường Cao đẳng ASEAN không có bất cứ giáo viên hoặc cán bộ nào có tên là Nam và Huy như các em trình bày. Đồng thời nhà trường cũng không cắt cử bất kỳ giáo viên nào vào trường Trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội để giảng dạy cho lớp học này cả. Nhiều em “sinh viên” đã rất hoang mang khi biết sự thật, họ đã… dính lừa.
 
Nhà giáo Trần Kim Phương cho biết thêm, hôm 4 - 4 một người xưng tên Huy đến làm việc với lãnh đạo nhà trường. Anh này cũng đem đến một bản kiểm điểm nộp cho trường, xin lỗi về hành vi đã gây ra. Tuy nhiên thấy lá đơn có nhiều điểm chưa ổn, nên trường đã yêu cầu anh ta về viết lại, hẹn thứ 2, ngày 8-4 đem đến nộp. “Đây là sự việc nghiêm trọng, làm lãng phí tiền của, thời gian của gần 30 em sinh viên; ảnh hưởng rất lớn đến uy tín nhà trường. Trường không muốn kiện cáo gì, nhưng họ phải thành khẩn nhận lỗi. Chúng tôi cũng không trực tiếp báo cáo sự việc này, tuy nhiên các cơ quan chức năng có thể căn cứ theo các quy định của pháp luật để tiến hành xử lý theo quy định” – Nhà giáo Trần Kim Phương cho biết. 
 
Sự việc vỡ lở, những bí mật phía sau kịch bản lừa đảo dần dần hé lộ. Được biết, “thầy” Nam, còn có tên khác là Bùi Văn Công – GĐ Cty TNHH Thương mại và dịch vụ truyền thông CND Việt Nam. Tháng 9 – 2012, “thầy” Nam, trong vai GĐ Bùi Văn Công, đã thuê Phòng 503 nhà B, cùng một phòng nhỏ khác của trường Trung cấp Kinh tế - tài chính Hà Nội để làm phòng học và làm văn phòng. Khi đến làm hợp đồng thuê nhà, GĐ Công đã nói rằng, lớp học là của trường Cao đẳng ASEAN liên kết với Cty của anh ta. Sau đó do Cty này không chịu trả tiền thuê nên đã bị chấm dứt hợp đồng, không được tiếp tục dạy học tại đây nữa.  
 
Thực tế, Nam vốn từng đi dạy hợp đồng tại 1 trường cao đẳng, nên anh ta biết rất nhiều sinh viên có nhu cầu theo học tại trường Cao đẳng ASEAN, do trường này được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo, cấp bằng chuyên ngành Cử nhân Dược. Vì thế đầu năm học 2012  anh ta đi gom những sinh viên đủ điểm nguyện vọng 2, có nhu cầu vào học tại trường Cao đẳng ASEAN. Sau đó, theo dự tính, Nam xin liên kết đào tạo với trường Cao đẳng ASEAN cho số sinh viên này để “ăn phần trăm”. Tuy nhiên, khi gửi văn bản đề nghị liên kết, đã bị trường Cao đẳng ASEAN từ chối vì không đủ tư cách pháp nhân. 
 
Thay vì trả lại tiền học phí cùng các khoản tiền khác của sinh viên, Nam (cùng với cộng sự của mình là Huy) đã dựng ra màn kịch thuê cơ sở đào tạo, mạo danh giảng viên trường Cao đẳng ASEAN đánh lừa sinh viên để có thêm thời gian cho Huy “chạy” cửa liên kết. Cuối cùng thì kế hoạch cũng bị lật tẩy. 
 
Theo Nhà giáo Trần Kim Phương, để việc này xảy ra cũng có một phần “lỗi” ở các em học sinh vì đã chủ quan, cả tin trước quyết định lựa chọn nghề nghiệp. “Hơn nữa, bây giờ trường nào cũng có địa chỉ, Website, có điện thoại, đường dây nóng… để phản ánh những dấu hiệu bất thường. Trong thời buổi các phương tiện công nghệ rất phát triển, thế nhưng có thể thấy sự việc được phản ảnh đến trường quá chậm. Đây cũng là bài học để các em trong mùa tuyển sinh năm 2013 rút kinh nghiệm. Khi nhận được giấy báo nhập học, cần phải liên lạc với nhà trường, nếu không trực tiếp đến trụ sở thì phải gọi điện, vào mạng tra cứu thông tin để xác minh cụ thể, đây là quyết định rất quan trọng của đời người” – cô Phương cảnh báo.  
 
Báo động tình trạng giả danh Bộ Giáo dục & Đào tạo
 
Thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều trường hợp một số tổ chức cá nhân, mượn danh Bộ GD&ĐT để kiếm lời. Trước thực trạng này Bộ GD&ĐT đã phải ra công văn khẩn số 55 ngày 3-1-2013, gửi các trường ĐH, Học viện, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, các trường TCCN, các Sở GD&ĐT. Công văn nêu rõ: Hiện theo phản ánh của một số cơ sở GD&ĐT trên cả nước đang có tình trạng một số tổ chức, cá nhân nhân danh Bộ GD&ĐT để phát hành ấn phẩm cho các nhà trường không đúng quy định. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định lại lần nữa, Bộ không cử, không giới thiệu bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ để phát hành các ấn phẩm trên. Đề nghị các Sở GD&ĐT trên cả nước khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân danh Bộ để phát hành các ấn phẩm, cần thông tin về Bộ GD&ĐT để có biện pháp phối hợp làm rõ những hành vi không đúng quy định.
 
Trước đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thanh tra liên kết đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ. Rất nhiều sai phạm khác nhau đã được phát hiện nhưng nghiêm trọng nhất là hành vi giả mạo chữ ký của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Kết luận thanh tra nêu rõ lớp đào tạo BS đa khoa giữa trường ĐH Y Hải Phòng với trường TC y dược Văn Hiến tuyển sinh chưa đảm bảo đúng đối tượng. Danh sách 28 thí sinh trúng tuyển có chữ ký photo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đóng dấu đỏ của Bộ GD&ĐT, chữ ký và dấu photo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa được cơ quan CA khẳng định là có hành vi làm giả chữ ký của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
 
Ngày 2-11-2012, CA tỉnh Thanh Hóa từng khởi tố nguyên Chủ tịch HĐQT trường Trung cấp y dược Văn Hiến và một giáo viên trường THCS Nam Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng để điều tra hành vi giả chữ ký nói trên.                      

 

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng VP Luật sư Hoàng Hưng: Sự việc, có đầy đủ dấu hiệu lừa đảo chiếm tài sản
 
PV đã có cuộc phỏng vấn luật sư Hoàng Văn Hướng để cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho bạn đọc xung quanh hiện tượng lừa đảo trên. 
 
PV: Ở góc độ pháp luật, trước sự việc này, luật sư có nhận định như thế nào?
LS. Hoàng Văn Hướng: Tôi cho rằng, hành vi của Nam và Hưng trong việc mạo danh trường CĐ tuyển sinh là rất nghiêm trọng, bởi những lẽ sau: Thứ nhất, ở đây có hành vi gian dối, một nhóm người đã mạo danh trường CĐ ASEAN để tuyển sinh. Thực tế, chương trình tuyển sinh mà nhóm người này đưa ra không nằm trong bất kỳ chương trình tuyển sinh nào của trường ASEAN và bản thân trường cũng không biết gì về việc này. 
PV: Luật sư có thể nói rõ hơn về hành vi của những đối tượng kể trên?
LS, Hoàng Văn Hướng: Có thể thấy trong sự việc này, nhiều sinh viên ở ngoại tỉnh đã bị thu khoản tiền nhập học; nhóm đối tượng thu tiền đã tập trung sinh viên thành lớp học, tổ chức mời giáo viên giảng dạy một số môn học. Nhưng có thể khẳng định rằng các học viên này sẽ không thể có bằng tốt nghiệp, vì họ không nằm trong hệ thống đào tạo của trường. Dù rằng, họ mất tiền phí đầu vào, mất thời gian ngồi học.     
PV: Luật sư có thể cho biết, các đối tượng lừa đảo trong trường hợp này có thể bị xử lý như thế nào?
LS. Hoàng Văn Hướng: Trong sự việc này, hoàn toàn thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 của Bộ luật Hình sự. Đặc biệt đây là trường hợp phạm tội có tổ chức chặt chẽ, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải nhanh chóng xem xét giải quyết. Nếu trường ASEAN nhận các em học sinh là nạn nhân nói trên, có nghĩa rằng hậu quả sự việc cũng đã được khắc phục một phần. Tuy nhiên, những đối tượng trên vẫn cần phải bị xử lý, nếu không bằng hình sự thì cũng phải xử lý hành chính.
PV: Trân trọng cảm ơn luật sư về những ý kiến vừa rồi!

 

Theo PLXH

.