(BVPL) - Sự nuông chiều con của phụ huynh thể hiện rất rõ khi có nhiều học sinh đi xe môtô phân khối lớn đến trường. Khi bị CSGT phát hiện, có học sinh khai không đúng tên, lớp và trường hoặc các em gọi điện "cầu cứu" người lớn đến xin, không thì tập hợp lại bàn bạc rồi mới khai tên, địa chỉ...
Cổng trường Phạm Hồng Thái chiều 15/3 đông nghẹt. Ngoài học sinh đi xe đạp, bố mẹ đón thì còn khá nhiều em ra khu vực lân cận lấy xe máy. Đã vi phạm các em còn dàn hàng ngang chiếm gần hết mặt đường Phan Kế Bính để vừa đi vừa nói chuyện. Chúng tôi đi theo hai học sinh ở trường này ra đường Vạn Bảo, gặp chốt CSGT ở đường Kim Mã, hai học sinh lách vào dòng xe đông đúc rồi phóng qua.
Sự nuông chiều con của phụ huynh thể hiện rất rõ khi có nhiều học sinh đi xe môtô phân khối lớn đến trường. Khi bị CSGT phát hiện, có học sinh khai không đúng tên, lớp và trường hoặc các em gọi điện "cầu cứu" người lớn đến xin, không thì tập hợp lại bàn bạc rồi mới khai tên, địa chỉ... Trường THPT Việt Đức đã từng gặp trường hợp, người vi phạm Luật Giao thông khai là học sinh của trường nhưng không tìm ra ai có tên như vậy.
Nhà trường đừng "giơ cao đánh khẽ", phụ huynh cần nêu cao ý thức
Cách đây vài năm, Công an TP đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nội dung theo Nghị định 14 đề ra các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Trong đó giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các Trường THPT, THCS không để học sinh chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi đi môtô, xe máy đến trường.
Kiến nghị này đã được UBND TP chấp thuận, giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý để chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, đến nay tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường không những không chấm dứt mà còn diễn ra nhiều.
Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho biết: "Ba trường có học sinh đi xe máy đến trường bị lực lượng CSGT Đội 2 xử lý nhiều nhất là Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái và Chu Văn An. Gần đây, Trường THPT Chu Văn An làm tốt công tác quản lý, giáo dục học sinh hơn nên vi phạm đã giảm, nhưng hai trường còn lại vẫn nhiều". Năm 2012, Đội CSGT số 2 đã kiểm tra, xử lý 376 trường hợp là học sinh vi đi xe máy đến trường, chủ yếu là học sinh của Trường THPT Phạm Hồng Thái, Phan Đình Phùng, Tây Hồ. Từ đầu năm 2013 đến nay xử lý được gần 20 trường hợp vi phạm.
Theo đồng chí Đức thì nhiều học sinh vi phạm rất ngang nhiên, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, khi gặp CSGT thì thường trốn tránh hoặc bỏ chạy. Những học sinh này gửi xe ở các bãi, quán nước cách xa trường để không bị phát hiện. Học sinh nữ mùa hè thì ngụy trang bằng áo chống nắng, mùa đông thì áo khoác. Nhưng có học sinh rất ngang nhiên mặc nguyên cả quần áo đồng phục.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức nguyên nhân chính dẫn đến không chấm dứt được tình trạng học sinh vẫn tiếp tục đi xe máy tới trường là do phụ huynh quá nuông chiều con. Cụ thể, hằng tháng Đội CSGT số 2 vẫn gửi thông báo vi phạm về gia đình, nhà trường để có biện pháp giáo dục, nhắc nhở các em, nhưng hầu như Đội không nhận được hồi âm (cả năm 2012 chỉ có 1-2 trường hợp hồi âm). Chỉ khi nào lực lượng CSGT ra quân, thậm chí phải "cải trang" để bắt quả tang thì hiện tượng học sinh đi xe máy mới giảm, còn không thì các gia đình vẫn tiếp tục cho con em đi xe máy đến trường.
Hơn nữa, sự vào cuộc của ngành Giáo dục Hà Nội chưa thực sự mạnh tay, chỉ khi nào Phòng CSGT có kế hoạch ra quân, gửi thông báo thì sự phối hợp mới chặt chẽ. Đặc biệt là các Trường THPT, THCS còn thiếu sự kiểm tra, kiểm soát đối với học sinh của mình. Ngay như khi làm việc với Trường THPT Việt Đức chúng tôi được biết, nhà trường đã đề ra nhiều quy chế, đặc biệt là nhiều hình thức tuyên truyền cũng như áp dụng mức kỷ luật đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông. Nhưng trái ngược với đó là nhiều học sinh vẫn ngang nhiên đi xe máy đến trường, gửi xe ngay tại số 5 phố Quang Trung và ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt mà không bị kiểm tra phát hiện, xử lý.
Để chấm dứt tình trạng học sinh đi xe máy, theo Trung tá Nguyễn Văn Đức thì chúng ta phải áp dụng đồng bộ các biện pháp như xử lý nghiêm khắc, đẩy mạnh tuyên truyền, sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo cùng vào cuộc thì mới làm được. Ý thức của các bậc phụ huynh vẫn là quan trọng nhất, nếu cha mẹ cương quyết không mua xe, không cho con đi xe máy thì các em không có lý do gì để vi phạm.
Sau 5 ngày ra quân, Đoàn Thanh niên Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã xử lý trên 400 trường hợp người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, trong đó phần lớn mắc lỗi vi phạm này là học sinh, sinh viên. Với các vi phạm này, nhắc nhở, tuyên truyền vẫn được áp dụng là chính, nếu trường hợp nào cố tình hoặc tái phạm thì sẽ bị xử lý. (N.M.)
Theo Trần Hằng
CAND Online