Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về nguy cơ cũng như tác hại của việc hít các loại keo thuộc các sản phẩm công nghiệp dành cho thuộc da, giầy dép hay keo vá vỏ xe, keo kết dính cho các loại động cơ. Việc sử dụng các loại keo trên để hít không những gây nguy hiểm đến sức khoẻ người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Thực trạng này đã và đang báo động trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt độ tuổi sử dụng các loại keo này không những là thanh - thiếu niên mà còn có cả trẻ em.
 
 
Tình trạng hít keo không chỉ xuất hiện vào ban đêm mà còn diễn ra vào cả ban ngày. Chiều 10/6, một thanh niên với dáng người ốm yếu, gương mặt thẫn thờ, vừa đi trên đường Lý Thường Kiệt thuộc Phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau vừa liên tục đưa bọc ni-lông có chứa keo bên trong lên mũi hít, nhưng đi được một đoạn thì ngã xuống, nằm bất động. Người dân giúp đỡ đưa đến cơ quan chức năng thì mới phát hiện thanh niên này đang bị “phê” keo.
 
Tiếp xúc với lực lượng chức năng, thanh niên ấy chỉ còn nhớ tên là Lương Thanh Điền (còn gọi là Điền tử lang) sống lang thang, cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ; còn về quê quán, độ tuổi thì hoàn toàn không nhớ. Điền cho biết, hằng ngày lang thang từ nơi này đến nơi khác, khi nào khát nước, đói bụng thì xin, được người dân thương cho tiền thì dành để mua keo hít. Việc hít keo đã diễn ra vài năm nay, ban đầu trong một lần đi theo đoàn lô tô làm thuê, thấy người ta hít keo, Điền bắt chước.
 
Bắt đầu từ đó, những túi ni-lông nhàu nát chứa chất keo màu vàng đục sền sệt bên trong đã gắn chặt với cuộc sống Lương Thanh Điền trong thời gian dài. Tương lai của Điền cũng như các đối tượng hít keo khác vô cùng mờ mịt bởi sự tàn phá của các thành phần từ các loại keo ấy gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ khi hít trực tiếp vào cơ thể.
 
Bác sĩ Hồ Hữu Hạnh, Phó trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: "Khi sử dụng keo con chó mức độ vừa phải thì người sử dụng sẽ bị ức chế một phần. Phần ức chế của họ là lơ mơ, buồn ngủ, chóng mặt, có thể thay đổi về mặt cảm xúc, hành vi, do ảo giác, do hoang tưởng gây nên. Đây được gọi là trạng thái loạn thần do sử dụng hoá chất. Về tác hại lâu dài, theo các nghiên cứu một người sử dụng keo con chó, sau 6 tháng thì khả năng 50% sẽ bị hư hỏng các tế bào não. Keo con chó tác động trực tiếp đến hệ thống hô hấp, ngoài ra còn gây tổn thương lên hệ cơ tim, các tế bào gan, thận".
 
Đại tá Trần Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: "Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 thanh - thiếu niên đang sử dụng keo con chó để hít, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP Cà Mau với gần 30 em. Các em thường tụ tập thành nhóm, hít dọc đường hoặc ngồi tại các công viên, khu vực công cộng. Việc hít keo không chỉ nguy hại đến sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tình hình ANTT của địa phương”.
 
Theo hồ sơ của một vụ án xảy ra vào tháng 8/2007, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận điều tra trường hợp một đối tượng sau khi hít keo, bị ảo giác đã dùng cây đánh chết người bạn hít keo chung ở huyện Thới Bình. Sự việc này cho thấy, việc hít keo thật sự đáng báo động.
 
Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết: "Tình trạng hít keo trong thanh - thiếu niên trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến, không riêng địa bàn thành phố, nơi tập trung đông dân cư, có nhiều trẻ em lang thang mà còn len lỏi trong các trường học, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chế tài xử lý các đối tượng này cũng rất khó khăn. Riêng đối tượng trẻ lang thang, không có địa chỉ cụ thể, khi phát hiện, ngành chức năng động viên về trung tâm bảo trợ thì một số em không chịu đi, thậm chí đã vào trung tâm nhưng một thời gian lại bỏ trốn ra ngoài".
 
Để ngăn chặn và giúp đỡ các đối tượng nghiện hít keo trở về với cuộc sống bình thường, ổn định sức khoẻ để hướng tới tương lai tốt đẹp, theo bà Bùi Lệ Oanh, rất cần sự chung tay, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình.
 
Theo Kiều Thơ (Báo Cà Mau)
.