Phục vụ quán hát trở thành một nghề mới thu hút nhiều bạn nữ. Tuy nhiên, phía sau ánh đèn mờ và tiếng nhạc xập xình là những chuyện đời, chuyện nghề ít ai biết.
|
Hai cô gái làm PR cho một quán hát ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngồi chờ khách. |
Nhiều cám dỗ
Ở Hà Nội, nhiều tuyến đường trở thành phố karaoke mọc lên san sát như: Vũ Tông Phan, Đê La Thành, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương… Hầu hết các quán karaoke lớn nhỏ đều có PR (những cô gái làm nghề “tay vịn”) luôn sẵn sàng phục vụ khách 24/24.
Anh Huy, chủ một quán karaoke ở đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết, phòng hát gia đình, phòng trà ít có PR, còn các quán kinh doanh dịch vụ giải trí thì quán nào cũng có. Bởi nếu không có PR vào rót bia, rượu, hát cùng, khách bỏ đi quán khác ngay. “Hiện, quán nhà không nuôi nhân viên mà có mối để điều hang nơi khác tới. Anh, em vào đây thoải mái, sau 10 phút có cả chục em tha hồ lựa chọn. Em nào cũng hát hay, nhiệt tình”, anh Huy giới thiệu khi chúng tôi yêu cầu.
Có mối quan hệ với Sơn, một quản lý quán karaoke lớn ở Thanh Xuân (Hà Nội), tôi có dịp được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều PR đang làm việc tại quán. Quỳnh Hoa (19 tuổi, quê Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội mới vào nghề được gần 2 tháng. Hoa cao ráo, có gương mặt trái xoan dễ nhìn, da trắng, cười có má lúm đồng tiền nên đắt khách nhất trong vô số những PR tại đây.
Hoa tâm sự, cô là con cả trong gia đình có 4 người con. Bố, mẹ cô làm nông. Vào học đại học, tìm việc làm thêm Hoa được một người chị cùng trường giới thiệu làm bảo hiểm nhân thọ với thu nhập cao, công việc nhàn. Theo bảo hiểm, cuộc đời cô bước sang ngã rẽ. Thu nhập phập phù, khách hàng không kiếm được lại phải gánh thêm một khoản nợ lớn do vay mượn tiền góp định mức để “thăng tiến”. Trong cơn túng quẫn, nợ nần, Hoa tìm đến nghề PR.
“Lúc đầu, mình cũng không nghĩ nghề nó vất thế. Bởi, khi thấy quán hát tuyển PR họ bảo công việc chỉ cần ngồi nói chuyện, hát với khách, khéo léo khách còn cho nhiều tiền. Nhưng vào nghề mới biết, đằng sau là một công việc phức tạp ẩn nhiều nguy hiểm”, Hoa nói.
Hoa còn nhớ, hôm đầu đi làm, vừa bước vào phòng hát, một người đàn ông đáng tuổi cha chú vòng tay ôm ấp, sờ soạng. Sợ quá, cô chạy ra ngoài, sau bị quản lý chửi té tát. “Chọn nghề này mình phải ráng thôi, làm lâu cũng thành quen. Những khách nhiều tiền phải nhiệt tình chu đáo mới lấy được tiền “bo” từ họ”, Hoa nói.
Quán hát này không phải Hoa là sinh viên duy nhất làm PR, ngoài cô còn có Lê Quyên (20 tuổi, quê Tuyên Quang) sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Đông. Nhà nghèo, xuống Hà Nội ăn học Quyên đi làm thêm trang trải cuộc sống. Thời gian đầu, cô phục vụ ở các nhà hàng ăn uống vất vả với đồng lương ít ỏi. Ngoại hình xinh xắn, cô được một vị khách là quản lý một quán karaoke giới thiệu làm PR cho quán. “Nghề này sinh viên như bọn mình được chiều chuộng hơn. Vừa đi làm mình được ưu tiên vào những phòng khách vip, bởi khách cỡ này thích... rau sạch và có chút học vấn hơn”, Quyên nở nụ cười chua chát...
Theo Quyên, nhiều người lầm tưởng con gái PR ở các quán karaoke đều là sinh viên các trường ĐH, CĐ làm thêm, nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều nhân viên không phải là sinh viên, nhưng vẫn làm giả thẻ sinh viên, tìm hiểu một số ngành, khoa trong trường để khi nói chuyện, phục vụ khách được ưu ái. “Công việc này có nhóm người bảo kê đứng sau, làm vất vả, phải uống bia rượu, làm đêm và không tự ý nghỉ việc tùy tiện được. Là sinh viên khó theo nghề lắm, trừ khi được quản lý quán tạo điều kiện”, Quyên nói. Để có thể vừa được đến lớp, vừa được làm ở quán, Quyên phải “cặp kè” với quản lý đã có gia đình ở quán.
Tiếp xúc được với N.H, một tài xế xe ôm chuyên chở đội PR chân dài đến phục vụ quán hát. H cho biết, một số ít quán hát VIP có nuôi 5 - 10 chân dài làm PR cho khách. Còn lại các “đại ca” từng khu vực sẽ quản lý một đội chân dài riêng khoảng từ 10 - 30 cô gái. Khi được quản lý quán gọi, bọn mình “điều hàng” đến cho khách chọn.
H. cho biết thêm, quán hát mọc lên như nấm nên nhu cầu tìm các PR trẻ, đẹp phục vụ tại quán cũng không đơn giản. “Nhiều “đại ca” còn móc nối với “đệ” các tỉnh xung quanh Hà Nội, về quê gặp mấy em tuổi mới lớn ham chơi, không thích học hành, hoặc gia đình khó khăn dụ lên Hà Nội làm nghề “tay vịn”. Vào nghề rồi là khó dứt ra lắm”, H. nói.
|
Những bóng hồng xinh đẹp theo nghề PR karaoke. |
Một cổ nhiều tròng
Hoa tâm sự, nếu làm trả được hết tiền nợ cô sẽ bỏ nghề PR. Nghề nào cũng có giá của nó, công việc PR không “ngồi mát ăn bát vàng” như nhiều người nghĩ. Bởi khách đến hát hò hầu hết trong tình trạng say xỉn, có người còn không làm chủ được hành vi. “Có lần mình bị khách ném luôn viên đá lạnh vào mặt bởi không nhiệt tình. Khách say nôn luôn trên váy, áo. Bạn làm nghề có khi còn bị khách đập cả chai bia lên đầu cũng không biết kêu ai. Đã làm cái nghề này là phải biết chấp nhận thôi chứ tủi nhục trăm bề”, Hoa nói.
Hoa cho biết, lúc “đắt sô” mỗi ngày cô ngồi với khoảng 6-8 lượt khách (bình thường chừng 3-5 lượt). Tiền bo mỗi lần ít nhất cũng 200.000 đồng, thường là 300.000 đồng. Có lần gặp khách hào phóng 500 trăm tới 1 triệu đồng. Nhưng thường bên cửa hàng (đại ca dẫn mối - PV) thu về 100.000 đồng. Nhiều cửa hàng kể cả gặp đại gia bo 1 triệu đồng, nhân viên cũng phải chia 50%. Mỗi lần ngồi bàn xong, “tay vịn” bị chất vấn rất cặn kẽ, ai nói dối bị chủ cửa hàng phát hiện sẽ phải đối mặt hình phạt có khi rất tàn khốc. “Đấy là những quán hát không nuôi nhân viên. Còn quán nuôi nhân viên lại có quy định khác. Mỗi khi gái ở quán hát đó không đủ cho khách chọn, quản lý sẽ gọi cửa hàng em đưa gái tới. Nếu nhân viên được ngồi bàn cùng khách, ra về sẽ phải để lại cho quán hát 50 - 70 ngàn”, Hoa chia sẻ.
Ngọc Ân (22 tuổi, quê ở Thanh Hóa) làm “tay vịn” cùng quán Hoa cho biết thêm, khi quán hát gọi nhân viên đến và nhân viên có nhiệm vụ mở càng nhiều bia càng tốt, mở nhiều đồ trên bàn để quán hát được lợi. “Là con gái mấy người uống được bia rượu tốt. Ở quán các “tay vịn” giữ sức chạy “sô” nên phải dùng tiểu xảo, thuốc chống say trước. Nhưng đứng bàn nhiều cũng mệt lắm. Về nhà trọ trên người toàn mùi rượu, thế là nôn thốc nôn tháo. Đôi khi say quá không làm chủ được bản thân ma xui, quỷ khiến theo khách đi chơi ngoài”, Ân nói.
Sập bẫy…
Anh Long, một chủ quán karaoke lớn trên đường Vũ Tông Phan cho biết, nhiều cô gái làm nghề PR karaoke có ngoại hình xinh, nhưng còn ít tuổi, chưa va vấp nhiều với xã hội lại thêm làm việc trong môi trường đầy cám dỗ nên dễ sa ngã. “Nhiều cô cả tin lắm, đi làm có tiền lại cặp kè với mấy thằng dân xã hội, rồi bao luôn mấy thằng đó ăn chơi. Có nhiều cô còn than thở bị trai lừa tiền, dụ chơi ma túy rồi nghiện lúc nào không hay”, anh Long nói. Anh Long cho biết thêm, khi thiếu tiền, các cô gái trẻ lại tìm đến chủ cửa hàng vay lãi và “bốc họ”. Vay lãi cắt cổ luôn, 1 triệu/10 ngàn đồng/1 ngày. Có đứa vay tới 50 - 100 triệu đồng, sắm xe, sắm hàng hiệu mỗi ngày làm ra tiền triệu cũng chỉ đủ đóng tiền lãi.
Dáng người mảnh khảnh, mái tóc vàng hoe, mắt hốc hác vì thức đêm nhiều, nhìn vẻ bề ngoài ít ai biết Lan Anh mới 19 tuổi. Cô quê ở Phú Thọ, xuống Hà Nội làm nghề “tay vịn” được hơn 2 năm nay. Lan Anh cho biết, công việc vất vả, chịu nhiều tủi cực nhưng bù lại cô có thu nhập khá cao từ 20-30 triệu đồng/tháng. Nhưng làm việc trong môi trường phức tạp, cô bị cuốn vào vòng xoáy chơi bời, vào bar, đập đá… Tiền kiếm được vèo cái là hết. “Trước mới vào nghề cứ nghĩ chịu khổ vài năm có chút vốn liếng về quê buôn bán. Nhưng giờ mình bị cuốn vào vòng xoáy quá sâu không biết lúc nào mới ngoi lên được để về nhà”, Lan Anh nói.
Túng quẫn, ngoài làm PR karaoke, Lan Anh sẵn sàng đi “tâm sự” với khách nào có nhu cầu. Tiếp xúc với nhiều cô gái làm PR tại quán hát, không chỉ Lan Anh mà nhiều cô gái cũng sống trong nợ nần. “Con đường làm “tay vịn” đến gái làm tiền chỉ trong gang tấc. Còn nhan sắc còn mua vui cho thiên hạ thôi”, Lan Anh châm thuốc, mắt nhìn xa xăm.
Theo Tiền phong