(BVPL) - Theo thiết kế đã được phê duyệt, trước khi tiến hành xây cầu với tổng kinh phí lên đến 13,6 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải làm cầu tạm cho người dân đi lại. Tuy nhiên, với lý do không có kinh phí, chủ đầu tư là UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã không tiến hành làm cầu tạm, khiến người dân phải qua sông hàng ngày bằng những chuyến bè tạm ẩn chứa rất nhiều hiểm họa…
 


Không có đường qua sông, anh Nguyễn Công Mạnh - một người dân xóm 3 đã đầu tư 5 triệu đồng để mở đường xuống bến và làm một chiếc bè nứa treo cáp để qua sông. Mỗi hộ dân trong xóm nếu muốn qua sông sẽ phải đóng 70.000 đồng/tháng. Người dân nếu không đi theo tháng sẽ phải trả tiền theo chuyến với mức 2.000 đồng/người, 1.000/xe đạp và 3.000 đồng/xe máy. Không còn cách nào khác, hàng ngày người dân và các cháu học sinh vẫn phải lên bè nứa của anh Mạnh để đi làm và đến trường.

Theo quan sát của phóng viên, chiếc bè mảng được ghép bằng những cây nứa nhỏ, neo bằng sợi dây thừng vào hai bên bờ sông. Ngoài hai bờ lan can cao khoảng 40cm để bảo vệ người và xe, trên bè không có thêm phao cứu sinh hay một thiết bị bảo hộ an toàn nào. Thời điểm hiện tại không phải là mùa nước lũ, nước không lớn nên chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Nhưng khi mưa to, lũ lớn (gần nhất là lũ Tiểu mãn đang đến gần) thì vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng người dân liệu ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ông Trần Thái đi thăm con gái ở phía bên kia sông, vừa đẩy chiếc xe máy từ bè lên bờ, vừa bức xúc nói với phóng viên: “Vô lý quá các anh ạ! Đáng ra trước khi làm cầu, chính quyền phải làm cầu tạm cho nhân dân chúng tôi đi lại. Người lớn có thể còn biết bơi, trẻ con đi học qua sông như thế này lỡ có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?”

Tìm vào UBND xã Nam Xuân, ông Ngô Xuân Đông - Phó Chủ tịch xã cho biết: “Trước đòi hỏi chính đáng của dân về việc xây dựng cầu tạm bắc qua sông Đào đoạn thi công cầu Phù Đổng, xã cũng đã có kiến nghị lên cấp trên nhưng trên họ bảo không có kinh phí. Tỉnh chỉ cho kinh phí xây lắp, còn kinh phí khác phải xin huyện.” Ông Đông nói thêm: “Trong thiết kế thi công cầu Phù Đồng mới cũng đã có tính đến phương án làm cầu tạm cho dân đi qua có cả bản vẽ thiết kế được các cấp ngành phê duyệt. Tuy nhiên, phương án làm cầu tạm đã bị cắt do không có kinh phí thực hiện. Hơn nữa, mặc dù gọi là cầu tạm nhưng ít nhất phải có từ  300 - 400 triệu đồng mới có thể làm được, số tiền này nằm ngoài khả năng của xã. Bởi vậy, dẫu biết người dân đi lại vất vả, sản xuất khó khăn và có nguy cơ bị đình trệ nhưng xã cũng không có cách nào khác!”.

Ông Lê Văn Sỹ - chuyên viên Phòng Công thương huyện Nam Đàn (thành viên Ban dự án xây dựng cầu mới Phù Đồng) xác nhận: “Theo thiết kế ban đầu và luận chứng kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền  phê duyệt thì có phương án làm cầu tạm với kinh phí khoảng 243 triệu đồng. Nhưng do ngân sách Nhà nước hạn chế nên chủ đầu tư đã tự quyết định không xây dựng cầu tạm cạnh vị trí xây dựng cầu mới Phù Đồng!”.
 

Tuấn Anh