Với lãi suất lên đến gần 85%/năm, hầu như những người cầm cố đồ đều khó có khả năng chuộc lại món đồ đã cầm nếu bị thua độ trong mùa Euro 2016.
|
Tiệm cầm đồ tha hồ |
Ngày hội bóng đá châu Âu đang diễn ra trên đất Pháp được người hâm mộ túc cầu đón nhận nồng nhiệt, những dịch vụ ăn theo, trong đó có cầm đồ, cũng nhân cơ hội chém đẹp để hốt bạc.
Mấy ngày đầu tháng 7, trong vai một người cần cầm cố tài sản, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã tìm hiểu được khá nhiều chuyện tại các tiệm cầm đồ trên địa bàn TP.HCM.
Vào một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Kim (phường 7, quận 10), khi ngỏ ý muốn cầm xe máy, chúng tôi nhận ngay lời từ chối: “Mùa này không cầm xe máy đâu em ơi, chật chỗ, khó thanh lý. Chỗ anh bây giờ chỉ nhận cầm điện thoại, máy tính với vàng thôi. Mùa này cầm xe thì chỗ nào chứa cho hết em”.
Tiếp tục vào một tiệm cầm đồ khác ở đường Ngô Gia Tự (quận 10) chúng tôi gặp ngay sự thận trọng của chủ tiệm: “Xe em muốn cầm phải là xe chính chủ, em đưa giấy đăng ký lái xe anh mới định giá cho em được. Chỗ anh làm ăn nguyên tắc và đúng luật em ơi”. Tuy nhiên, ngay sau đó có một người đàn ông chạy một chiếc xe Yamaha Exciter 150 vào và giao dịch rất nhanh, dù chẳng đưa ra bất kỳ giấy tờ nào.
Khi chúng tôi hỏi: “Sao ông cầm xe mà chẳng cần giấy tờ gì thế, còn tôi thì họ cứ đòi phải đủ giấy tờ?", người đàn ông ấy vừa đếm vội tiền rồi viết giấy cầm đồ vừa trả lời: “Ông trông mặt lạ hoắc, bố ai dám cầm cho vào lúc này. Mùa làm ăn của mấy ông tiệm cầm đồ mà. Thiếu gì cái để cầm, chỉ sợ không có tiền thôi. Chứ cầm xe ông để công an phạt cho à. Tôi quen, cầm đây bao nhiêu lần rồi thì cần gì giấy tờ. Ngày thường thì quán nào chả cầm, cần gì cà vẹt, chỉ có mùa này nhiều khách nên mấy chả làm eo ấy mà. Tôi tính theo thằng Pháp (trận Pháp - Đức ), nếu được thì mai lấy con xe ra, chứ để đây lâu tiền đâu mà chuộc”.
Chúng tôi lại tiếp đến một tiệm cầm đồ khác cũng địa bàn quận 10, trên đường Sư Vạn Hạnh. Chúng tôi đưa cà vẹt xe cho chủ tiệm, sau một hồi kiểm tra, ông ta định giá: “Xe này chỉ được 7 triệu em ơi, biển số tỉnh chẳng đâu cầm cao hơn chỗ anh đâu. Nếu đồng ý cầm mức 7 triệu thì anh nhận. Mức lãi suất thì 490.000 đồng/tháng. Nếu trong vòng 1 tháng em không tới lấy xe thì anh thanh lý, muốn gia hạn thì tới đóng tiền lãi đúng hẹn anh giữ lại cho. Anh cũng kẹt vốn, quá hạn là anh phải thanh lý, để lâu không có lời em à”.
Tại những tiệm cầm đồ ở các quận 5, Gò Vấp, Bình Thạnh... chúng tôi đều nhận được câu trả lời tương tự về mức tiền lãi, khoảng 2.000 đồng/triệu đồng/ngày.
Ông Trương Minh Hiếu (Văn phòng luật sư Huỳnh Minh Luật, đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Nếu tính theo mức lãi suất 490.000 đồng/tháng cho 7 triệu đồng, mức lãi suất sẽ gần 7%/tháng, tương đương 84%/năm. Đây là con số cực cao, hầu như những người bình thường nếu không sớm có tiền chuộc đồ sẽ bị thanh lý bởi mức lãi suất khủng này.
Tại khoản 1, điều 476 Bộ luật Dân sự quy định về hành vi cho vay nặng lãi: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng".
Theo quy định trên của Bộ luật Dân sự, lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi". Ví dụ, nếu mức lãi suất ngân hàng thương mại nhà nước cho vay là 12%/năm (tức 1%/tháng), thì vay mượn dân sự bên ngoài chỉ được lãi suất tối đa 1,5%/tháng. Nếu vượt mức trên sẽ vi phạm".
Tội cho vay nặng lãi:
Điều 163 Bộ luật Dân sự quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo quy định của điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 điều 476 Bộ luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.
Ví dụ: Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cao nhất đối với cho vay tiền Việt Nam (đồng) kỳ hạn 3 tháng là 1%/tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 1,5%/tháng thì hành vi cho vay tiền (VN đồng) kỳ hạn 3 tháng với mức lãi trên 15%/tháng (gấp từ 10 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép trở lên) sẽ bị coi là cho vay lãi nặng.
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Lãi suất cơ bản của ngân hàng thương mại nhà nước mới nhất công bố cho khoản vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên khi mặt bằng lãi suất ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn.
Nếu áp dụng mức lãi suất vay cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường tối đa là 9%/ năm (0,75%/ tháng). Vậy nếu áp dụng khoản 1, điều 476 BLDS quy định về hành vi cho vay nặng lãi, hành vi cho vay nặng lãi đã cấu thành, nhưng vẫn chưa thể bị xử lý theo quy định ở điều 163 BLHS quy định về tội cho vay nặng lãi”.
Theo Nghinh Phong (một thế giới)